Tiềm năng lợi nhuận cao nhờ quản lý tốt chi phí
ACB công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2020 khá ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.411 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) hoàn thành 84% kế hoạch năm, riêng Q3/2020 đạt 2.592 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ) nhờ tín dụng tăng vững chắc, thu nhập phí tiếp tục tăng trưởng khả quan từ sự đóng góp của mảng hoạt động bancasurrance và thẻ trong khi chi phí hoạt động tiếp tục giảm. Chi phí dự phòng tiếp tục tăng từ mức nền thấp năm ngoái, tổng thu nhập hoạt động tăng tốt đi cùng đệm dự phòng dồi dào giúp rủi ro về lợi nhuận được hạn chế.
Trong bối cảnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh cả năm của hầu hết doanh nghiệp, ACB vẫn tạo được lợi nhuận nhờ nỗ lực quản lý tốt các chi phí. Những hoạt động liên quan đến quảng cáo, sự kiện trong và ngoài đều được ACB chủ động không thực hiện. Việc áp dụng công nghệ vào vận hành cũng góp phần giúp ACB tiết giảm chi phí.
Về chi phí cho nhân sự ACB, nguồn ngân sách xét tăng lương cho nhân viên năm 2020 sẽ được xem xét kỹ càng. Tuy nhiên, dù phải đối diện khó khăn do bối cảnh chung, việc ACB vẫn quyết định không cắt giảm nhân viên, không giảm lương đã giữ được nội lực, duy trì sự phát triển cần thiết cho ACB.
Từ những con số khả quan trên, giới đầu tư tin tưởng vào triển vọng lợi nhuận của ACB không chỉ trong Q4 mà còn lan tỏa sang giai đoạn 2021-2022. Các chuyên gia dự báo lợi nhuận trước thuế của ACB năm 2020 sẽ vượt kế hoạch sau khi nâng giả định tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ NIM, lãi thuần hợp đồng kinh doanh ngoại hối và lãi mua bán trái phiếu. Theo một công ty chứng khoán hàng đầu, dự phóng về lợi nhuận trước thuế của ACB giai đoạn 2019-2022 sẽ tăng với tốc độ gộp bình quân là 15,6%.
Kiểm soát tốt về chất lượng danh mục tín dụng
Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ACB xác định việc đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng là ưu tiên, tuy nhiên sự chia sẻ đồng hành không đồng nghĩa việc ACB nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng vì điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, tính lành mạnh, an toàn của hệ thống.
Thay vào đó, ACB đã đẩy mạnh việc tiếp tục đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng vay vốn; tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng; chủ động cân đối sẵn sàng nguồn vốn để đầu tư cho những phương án, dự án khả thi, cho vay mới để hỗ trợ khách hàng phục hồi sau dịch.
Cụ thể, ACB đã đồng loạt hạ lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-4%. Đã có hàng trăm nghìn khách hàng được hưởng các gói hỗ trợ với giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của ACB cũng như toàn ngành Ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất của ACB, tỷ lệ nợ xấu đến 30/09/2020 là 0.83%, là một trong những ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ thấp nhất hệ thống. ACB luôn kiểm soát tốt về chất lượng danh mục tín dụng khi tỷ lệ nợ xấu luôn đảm bảo duy trì dưới 1% và ACB tiến hành trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng quy định.
Tính đến hết Q3/2020, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất của ACB là 11.26%, luôn đảm bảo ở mức cao so với các quy định quản lý của Nhà nước về vốn, năng lực phòng vệ của vốn được tăng cường qua các năm và là bước đệm vững chắc cho mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời gian tới. Dự kiến trong năm tới, ACB sẽ nâng tỷ lệ an toàn vốn lên mức trên 12%.
Giả định tăng trưởng tín dụng 2020
Tại thời điểm cuối Q3/2020, tổng tín dụng ACB tăng 10,7% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống là 6,1%. Cho vay khách hàng cá nhân tăng 12.5% so với đầu năm; cho vay DNNVV tăng 10.7% so với đầu năm và cho vay doanh nghiệp lớn không tăng trưởng; lần lượt đóng góp 61%, 31% và 8% trong tổng dư nợ cho vay. ACB luôn tăng trưởng theo đúng định hướng tập trung vào ngân hàng bán lẻ.
Từ những con số trên, các chuyên gia giả định tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 của ACB lên 14,75% (từ 11,75% trước đây), tương đương hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được NHNN cấp gần đây, trong đó cho vay khách hàng cá nhân và DNNVV sẽ tiếp tục là động lực tăng trường chính cho tín dụng trong Q4/2020.
Tiềm năng từ việc chuyển sàn & thương vụ với Sun Life
Việc ACB ký thỏa thuận độc quyền phân phối sản phẩm BHNT 15 năm với Sun Life giúp ACB nhận được một khoản phí trả trước (Upfront) lên đến 370 triệu USD. Nhưng đây chỉ là mức phí ban đầu, con số thực tế mà ACB nhận được từ Sun Life còn cao hơn gấp nhiều lần. Một thỏa thuận Bancassurance sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận đột biến trong tương lai và cũng là động lực giúp giá cổ phiếu tăng mạnh.
Và không thể không nhắc đến tín hiệu lạc quan từ thông tin ACB chính thức được chuyển sàn trong tháng 12 này. Việc chuyển sàn sẽ giúp ngân hàng này lọt vào các rổ chỉ số quan trọng như VN30, VN Diamond, VNFIN Lead… và điều đó trở thành cổ phiếu được quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư dài hạn. Một khi đã vào được rổ chỉ số (đặc biệt là VN30) thì thanh khoản sẽ tăng nhanh bởi các quỹ ETF sẽ tập trung mua bán chứng chỉ của họ thông qua các rổ chỉ số. Đầu tháng 11/2020, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company đã mua hơn 2,8 triệu cổ phiếu ACB, tương đương với tỷ lệ 0,13%. VOF cũng công bố danh mục đầu tư cuối tháng 10 trong đó ACB trở thành khoản đầu tư lớn thứ 5, chiếm 4.9% tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ tương đương 1.100 tỷ đồng.
Với những tín hiệu và dự phóng lợi nhuận khả quan, tại thị giá hiện tại P/B dự phóng của ACB năm 2020 là 1,49 và năm 2021 là 1,28 lần (cao hơn 20% so với mức bình quân ngành). Có thể nói, tương lai của ACB là một bức tranh sáng màu và vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế