Theo đó, tại Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml, nhằm góp phần chống béo phì, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Viện dẫn cho đề xuất đã nêu, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe người dân, cũng như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.

can-nhac-viec-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-23.11.1.jpg
Tại Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này, không ít ý kiến cho hay, mục tiêu góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì việc chỉ đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế là chưa bao quát toàn diện các sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng vì nước giải khát có đường không phải là sản phẩm duy nhất có hàm lượng đường, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác (như các sản phẩm bánh, kẹo,...).

Đồng thời, việc thu thuế đối với đồ uống có đường chưa hẳn đã đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng do người dân có nhiều lựa chọn khác để thay thế như sử dụng các sản phẩm có đường được pha chế tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng, đây là những sản phẩm rất khó để kiểm soát hàm lượng đường và cơ quan quản lý thuế cũng không có căn cứ để thu thuế đối với các sản phẩm đồ uống này.

Từ đó, các ý kiến này đề xuất, cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để tránh những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

can-nhac-viec-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-23.11.jpg
Nhiều ý kiến đề xuất, cần cân nhắc việc đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), về tác động kinh tế của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát đã chỉ ra, nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thu ngân sách từ thuế gián thu năm đầu tiên (2026) sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng, nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2,152 tỷ đồng. Từ năm 2027 trở đi, thu ngân sách từ cả thuế gián thu và trực thu đều sẽ bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận, kéo theo giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau.

Đặc biệt, báo cáo của CIEM đánh giá, việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát sẽ không những tác động trực tiếp lên ngành đồ uống, mà còn tác động tiêu cực tới 25 ngành sản xuất trong nền kinh tế, từ đó dẫn đến mức sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng.

“Nếu áp dụng mức thuế cao hơn (ví dụ 40%) sẽ tác động đối với các doanh nghiệp trong ngành, cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nước giải khát lớn hơn và thu ngân sách cũng sẽ giảm khi doanh thu thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp này giảm do lượng tiêu thụ nước giải khát ít hơn trước”, nghiên cứu của CIEM chỉ ra hạn chế, đồng thời đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.

Tham gia góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới đây, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần nghiên cứu thêm đối với nội dung này để từ đó đề xuất các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác cho phù hợp.

“Ví dụ như, có những quốc gia như Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Philippines đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì thì lại vẫn tiếp tục tăng, mặc dù tiêu thụ nước giải khát có đường giảm. Trong khi đó các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore hay Trung Quốc không áp dụng chính sách thuế này thì tỷ lệ thừa cân, béo phì lại được kiểm soát tốt”, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung chia sẻ.

Đồng thời cho hay, công cụ thuế này không hiệu quả trong việc làm thay đổi hành vì người tiêu dùng, đặc biệt, khi các đối tượng tiêu dùng mặt hàng nước giải khát có đường phần lớn là trẻ em. Các cơ quan nên tập trung vào các biện pháp tuyên truyền và giáo dục trong gia đình và trường học để các em thay đổi nhận thức và từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng.

Từ đó, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dùng đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này và chưa đưa vào Dự thảo.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng cho rằng, việc áp thuế cần hướng tới điều tiết hành vi của người tiêu dùng hơn là tăng thu ngân sách. Việc áp thuế nước giải khát có đường thực chất là điều chỉnh lượng đường đưa vào cơ thể cho hợp lý chứ không làm giảm thừa cân béo phì. Do đó, cần bổ sung thêm đánh giá tác động tới sức khỏe, bởi đây là vấn đề rất được quan tâm nhưng dự thảo lại thiếu đánh giá về y tế.

“Nếu chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường thì cũng cần nghiên cứu kỹ xem áp thuế theo tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn nào trên cơ sở khoa học”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - Lê Quang Mạnh cũng cho hay, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ, nhưng đề nghị làm rõ nội dung “theo TCVN” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo TCVN song vẫn có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml.

Gia Nguyễn