Hiện thực hóa hệ thống giao thông công cộng
Phát biểu tại lễ vận hành chính thức tuyến metro số 1, ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM, thay mặt lãnh đạo TPHCM bày tỏ sự vui mừng khi tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức đưa vào vận hành.
“Tuyến metro số 1 không chỉ là công trình hiện đại mà còn là biểu tượng của sự vươn mình, khát vọng của TPHCM. Công trình đánh dấu cột mốc trong việc hiện thực hóa hệ thống giao thông công cộng, giảm thiểu áp lực giao thông và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đánh dấu cột mốc quan trọng trong phát triển giao thông công cộng của TPHCM. Đặc biệt, hành trình này không chỉ là bằng chứng cho sự nỗ lực bền bỉ của chính quyền Thành phố, mà còn thể hiện sự đồng hành và hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản”, ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, trong giai đoạn tiếp theo, TPHCM sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch giao thông đô thị, phát triển mạnh theo mô hình TOD, nhằm xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, hiện đại, bền vững trong tương lai; là biểu tượng của sự đổi mới, kết nối và văn minh đô thị.
Chia sẻ về những nỗ lực trong trong quá trình hoàn thiện tuyến Metro số 1, ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, cho biết dự án đường sắt đô thị số 1 đã hoàn thành 100% khối lượng và hôm nay đi vào vận hành chính thức.
Quá trình triển khai thực hiện dự án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo Trung ương và TP, sự phối hợp của các sở ngành, sự đồng hành của nước bạn Nhật Bản và người dân. Đặc biệt là những người dân chịu ảnh hưởng của dự án để dự án hoàn thành và đi vào vận hành.
Cũng theo ông Bằng, trong thời gian tới, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cam kết triển khai các dự án đường sắt đô thị tiếp theo với sự quyết tâm cao, sáng tạo đột phá, góp phần xây dựng hệ thống giao thông xanh, bền vững văn minh và hiện đại.
Chia sẻ với báo chí về phương thức vận hành tuyến Metro số 1, bà Vũ Minh Huyền - Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, cho biết nhân viên và các tình nguyện viên sẽ túc trực tại các nhà ga để hướng dẫn người dân làm quen với metro một cách thuận tiện, an toàn.
Trong thời gian đầu, tuyến metro số 1 sẽ chạy từ 5h-22h mỗi ngày, chuyến đầu tiên xuất phát lúc 5h, còn chuyến cuối lúc 22h với 9 đoàn tàu. Mỗi đoàn có thể chở tối đa 930 người (gồm 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng).
Triển khai đồng bộ nhằm phục vụ hành khách
Cũng theo bà Huyền, dự kiến thời gian giãn cách 8-12 phút/chuyến, tổng số chuyến mỗi ngày là 200 chuyến. Tốc độ khi tàu chạy ở ray trên cao là 110km/h và 80km/h tại đoạn ngầm. Thời gian đi từ ga Bến Thành đến ga Bến xe Suối Tiên là 29 phút.
Thông tin về hệ thống giao thông kết nối và phương thức vận tải hành khách công cộng, ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án 1 (Bến Thành - Suối Tiên), theo quy hoạch, TPHCM sẽ có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất. Hiện nay TP đang triển khai tuyến metro số 1 và 2, trong đó, tuyến số 1 sẽ khai thác từ ngày hôm nay. Vì vậy, để khai thác tối đa hiệu quả của tuyến Metro số 1 trong vận tải hành khách công cộng, TPHCM đã quyết liệt triển khai những dự án bổ sung, nhất là mạng lưới xe buýt nhằm trung chuyển hành khách đến và đi từ các nhà ga trong khi chờ thành phố hoàn chỉnh mạng lưới metro.
“Để phát huy hiệu quả cao nhất của tuyến Metro số 1 cũng rất cần triển khai đồng bộ, nhằm phục vụ hành khách tiếp cận tốt hơn các nhà ga. Do đó chúng tôi cũng mong muốn các dự án tiếp cận có thể triển khai đồng bộ để kịp thời đưa vào khai thác cùng tuyến”, ông Hiếu chia sẻ.
Đánh giá về tầm quan trong của tuyến Metro số 1, ông ITO Naoki - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ITO Naoki, cho rằng tuyến đường sắt đô thị này sẽ thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, tuyến Metro số 1 còn có nhiệm vụ kết nối các khu vực có nhu cầu vận tải cao, và sẽ có sự chuyển dịch lớn trong phương thức di chuyển của người dân từ ô tô, xe máy sang đường sắt đô thị.
"Trong kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra với mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế cao tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm là cơ sở hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chắc chắn Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Thành công của metro số 1 sẽ là đòn bẩy để phát triển thêm các dự án, công trình khác. Chúc mừng tất cả các bạn", ông ITO Naoki nói.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng chiều dài 19,7km, gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao). Sau khi tuyến metro số 1 vận hành chính thức, từ 10 giờ cùng ngày, đơn vị vận hành mở cửa 14 nhà ga đón khách đi miễn phí trong 30 ngày (đến 20/1/2025). Các ngày sau đó, các ga mở cửa từ 5 đến 22 giờ mỗi ngày. Giờ giãn cách chạy tàu là 8-12 phút/chuyến. Để tạo thuận tiện đi lại cho người dân, TP HCM bố trí 31 tuyến xe buýt kết nối với metro số 1, miễn phí vé từ 1/1 đến 20/1/2025. Ngoài ra, người dân cũng có thể dùng xe đạp công cộng ở bãi quanh các nhà ga ngầm metro ở quận 1; xe điện 4 bánh Buggy ở 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son); buýt đường sông… Hành khách có thể gửi xe tại các nhà ga như Công viên 23/9, Công viên Văn Thánh, Thảo Điền, Bến xe Suối Tiên… và sử dụng các cầu đi bộ tại các ga Tân Cảng, Thảo Điền, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc gia TP HCM để tiếp cận |
Theo Hương Giang - Diễn đàn Doanh nghiệp