Tăng trưởng ấn tượng
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp không chỉ về đích sớm mà còn vượt kế hoạch năm hơn 1 tỷ USD.
Xét theo từng mặt hàng, 7 nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản ghi nhận thặng dư thương mại trên 1 tỷ USD, bao gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ: thặng dư 12,11 tỷ USD, tăng 19,4%; Rau quả: 4,56 tỷ USD, tăng 33,9%; Cà phê: 4,53 tỷ USD, tăng 30,5%; Gạo: 4,07 tỷ USD, tăng 14,6%; Tôm: 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; Cá tra: 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%; Hạt tiêu: thặng dư 1,07 tỷ USD, tăng mạnh 43,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, một trong những điểm sáng nổi bật của năm 2024 là ngành hàng rau quả. Tính đến hết tháng 11/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt xa kết quả của cả năm trước. Dự báo cả năm 2024, rau quả sẽ mang về khoảng 7,2 tỷ USD, với mức xuất siêu trên 4,5 tỷ USD. Kết quả này đóng góp lớn vào thặng dư thương mại và khẳng định vai trò then chốt của ngành hàng này trong xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh rau quả, gạo là một trong những ngành hàng chủ lực đóng góp lớn vào bức tranh xuất khẩu nông nghiệp năm 2024. Tính đến hết tháng 11/2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 8,5 triệu tấn gạo, thu về 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Thành tích này cũng đã vượt kim ngạch của cả năm 2023.
Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, theo sau là Indonesia và Malaysia. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam gần như luôn duy trì ở mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.
Song hành cùng gạo, xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ về giá trị. Dù giảm về lượng, với gần 1,2 triệu tấn xuất khẩu, kim ngạch vẫn đạt 4,84 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường trong nước, giá cà phê cũng liên tục lập đỉnh, thời điểm cao nhất chạm ngưỡng gần 150.000 đồng/kg. Ngoài ra, các ngành hàng như hạt điều, hạt tiêu và thủy sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng khích lệ, tiếp tục đóng góp vào thành công chung của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2024.
Đánh giá về kết quả tích cực trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã tiến sát cột mốc 57 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại. Với đà tăng trưởng này, nếu kim ngạch xuất khẩu trong tháng 12 đạt trên 5 tỷ USD, Việt Nam sẽ chính thức vượt mốc 61 tỷ USD, thiết lập một kỷ lục mới cho ngành nông nghiệp.
Mỹ, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường chủ lực, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đáng chú ý, Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,7% thị phần, trong khi Trung Quốc xếp ngay sau với 21,6% thị phần.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), cho biết kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 ước đạt 62,4 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, 7 mặt hàng chủ lực đã cán mốc doanh số trên 3 tỉ USD, gồm: gạo, cao su, điều, cà phê, gỗ, thủy sản và rau quả.
Với kết quả ấn tượng này, ngành nông nghiệp đã hoàn thành mục tiêu xuất khẩu sớm hơn 6 năm so với kế hoạch đề ra trong Đề án 174/QĐ-TTg của Chính phủ về thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đến năm 2030, vốn đặt mục tiêu từ 60 - 62 tỉ USD.
Việc Mỹ vượt Trung Quốc để trở thành thị trường nhập khẩu nông - lâm - thủy sản lớn nhất của Việt Nam là minh chứng rõ nét cho nỗ lực đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Điều này không chỉ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giảm rủi ro trước những biến động từ thị trường truyền thống mà còn mở ra cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường ông Lê Thanh Hòa cũng đưa ra lời cảnh báo các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý vấn đề xuất xứ hàng hóa. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khả năng ông Donald Trump quay trở lại cương vị Tổng thống Mỹ, kéo theo nhiều thay đổi chính sách thương mại, có thể tác động không nhỏ đến xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn giữ vai trò là thị trường trọng điểm với kim ngạch đạt 11,2 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, vượt tổng kim ngạch cả năm 2023. Đây là con số cho thấy tiềm năng lớn của thị trường này khi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và là đầu ra quân.
Ông Lê Thanh Hòa cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bổ sung cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển khâu chế biến nông sản và xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Đây được xem là giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh quốc tế cho nông sản Việt Nam, vốn còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thô.
Việc tận dụng cơ hội miễn thuế đối với hàng chế biến ở nhiều thị trường nhập khẩu cũng mở ra dư địa tăng trưởng lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng. Các hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp, phổ biến thông tin thị trường và cập nhật xu hướng tiêu dùng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường mà còn nhanh chóng nắm bắt cơ hội mở rộng xuất khẩu.
Hằng Thy