Về sản lượng điện năm 2025, Công ty Chứng khoán VCBS cho biết, theo kế hoạch vận hành thị trường điện, tổng sản lượng điện ước tính tăng trưởng khoảng 11,3% so với năm trước. Các tháng mùa khô, sản lượng tăng trưởng bình quân khoảng 13%. Theo dự báo của IRI, La Nina có thể tiếp tục ảnh hưởng thời tiết vào năm 2025 sau đó chuyển sang trạng thái Trung Lập.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo xác suất diễn ra La Nina trong giai đoạn 1-3/2025 khoảng 55%-65%. VCBS cho rằng NSMO sẽ ưu tiên huy động nhiệt điện trong quý I/2025 và tích nước thủy điện để chuẩn bị vào cao điểm mùa khô khi phụ tải tăng cao.
Trong năm 2025, phụ tải đỉnh (Pmax) của hệ thống điện có thể lên tới 54,3 GW và miền Bắc có thể lên tới 28,2 GW. Công suất khả dụng nguồn của miền Bắc khoảng 29GW. Tỷ lệ sản lượng dự phòng tại khu vực phía Bắc trong giai đoạn tháng 3-6/2025 dao động từ 3-4%. Do đó VCBS cho rằng tình hình cung ứng điện tại khu vực phía Bắc tương đối căng thẳng trong giai đoạn cao điểm.
Tại hệ thống điện phía Nam, Pmax có thể lên tới 23,6GW, công suất khả dụng ở mức 24,5 GW vào thời điểm tối. Hệ thống điện miền Nam cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh. Đáng chú ý, sản lượng từ nguồn điện LNG dự kiến đạt trên 11 tỷ kWh trong năm 2025.
Về công suất 2025, VCBS dự phóng công suất hệ thống điện đạt 94,2 GW, tăng 7,8% so với hiện tại. Các nguồn mới đóng góp chủ yếu đến từ các nhiệt điện (2.954 MW), thủy điện (1.473 MW), năng lượng tái tạo (1.177 MW), nhập khẩu (1.160 MW).
“Trong giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư cho nguồn điện là 98,6 tỷ USD, cho lưới điện truyền tải 220-500 kV là 14,6 tỷ USD. Phân bổ vốn đầu tư nguồn điện và và lưới truyền tải là 87/13. Ước tính đến 2030, mỗi năm đầu tư cho hệ thống truyền tải khoảng 1,5 tỷ USD. Chúng tôi nhận thấy rằng để giải tỏa công suất các nguồn điện hiệu quả và vận hành hệ thống điện ổn định, việc đầu tư vào lưới điện là một trong những yếu tố tiên quyết”, VCBS cho biết.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng dự báo, tiêu thụ điện năm 2025 tăng 10,5% đến 13% so với năm 2024. Theo TPS, xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh hơn sau khi tân tổng thống Hoa Kỳ tiếp nhận nhiệm kỳ mới, cùng với hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh kéo theo mức tiêu thụ điện năng năm 2025 được dự báo khá cao do FDI tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực chế biến chế tạo.
Theo TPS, trong 10 tháng năm 2024, tiêu thụ điện của ngành công nghiệp xây dựng tăng 10,53% so với cùng kỳ; thương mại – dịch vụ tăng 11,9% so với cùng kỳ và sinh hoạt & tiêu dùng tăng 9,88% so với cùng kỳ. Theo tính toán, kinh tế tăng trưởng 1% thì mức tiêu thụ điện tăng tương ứng 1,5%.
“Do đó, với mức tăng trưởng theo kế hoạch của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tiêu thụ điện năm 2025 được dự báo tăng trưởng trong khoảng 10,5% - 11,25%, tương ứng với nguồn cung cần bổ sung thêm 2.200 – 2.500 MW công suất. Trong trường hợp tăng trưởng kinh tế cao hơn mức 7% - 7,5%, tiêu thụ điện có thể tăng tới 12% - 13% so với năm 2023”, TPS nhận định.
Cũng theo Công ty Chứng khoán này, các nhà điều hành đã đưa ra 3 kịch bản tiêu thụ điện cho năm 2025. Trong đó, kịch bản cơ sở mức tiêu thụ điện năm 2025 dự ước khoảng 342,3 tỷ kWh, tăng 10,5% so với cùng kỳ, kịch bản tăng trưởng vừa mức tiêu thụ điện năm 2025 khoảng 351 tỷ kWh, tăng 13,3% và kịch bản tăng trưởng cao mức tiêu thụ điện năm 2025 khoảng 354 tỷ kWh, tăng 14,3% so với năm trước.
Về triển vọng của các nhóm ngành, VCBS nhận định, nhiệt điện than dự kiến sẽ tiếp tục được huy động cao trong quý I/2025; Nhiệt điện khí nội địa tiếp tục gặp khó trong 2025 khi nguồn cung khí suy giảm và giá khí neo cao; Thủy điện hưởng lợi khi el nino qua đi; Trong khi đó, năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt…
Đối với nguồn điện nhập khẩu từ Lào, VCBS cho biết, theo Quy hoạch Điện 8, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào đến năm 2030 dao động từ 5-8GW. EVN cho biết đến năm 2025, tổng nguồn nhập khẩu từ Lào đã được phê duyệt chủ trương nhập khẩu chỉ khoảng 2.2 GW. Tổng công suất nguồn điện vào vận hành đến năm 2025 chỉ đạt khoảng 2GW.
Ngoài ra, VCBS cũng chỉ ra một số yếu tố khác cũng sẽ tác động đến triển vọng ngành điện trong năm 2025 như: Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) (Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 của Chính phủ); Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trơi mái nhà tự sản tự tiêu thụ; Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Và Luật Điện lực sửa đổi được Quốc hội thông qua vào ngày 30/11/2024.
Đình Đại