Chu kỳ tăng trưởng mới

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng của Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

tctd.jpg
Tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng của Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng

Trong đó, các ngân hàng thương mại cung cấp 94% và các công ty tài chính tiêu dùng đóng góp khoảng 4,8% với mức tổng dư nợ là 139.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy dư địa phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, sau giai đoạn khó khăn tác động bởi đại dịch và biến động kinh tế vĩ mô ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, đến hết quý II sang quý III/2024, Việt Nam bắt đầu ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và dự báo tăng trưởng GDP của năm nay đạt 6,1% nhờ sự gia tăng của hoạt động xuất khẩu, du lịch, tiêu dùng và đầu tư. Như vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy tiêu dùng nói chung và tín dụng tiêu dùng sẽ có sự tăng trưởng bứt tốc trong quý IV này.

Đặc biệt, với sự thúc đẩy từ phía Chính phủ và NHNN đã tạo ra cơ chế chính sách giúp người vay và nhất là nhóm khách hàng cá nhân tiêu dùng được tiếp cận dễ dàng với các khoản vay tại ngân hàng, hay các tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng hơn, chi phí cũng rẻ hơn.

Fiin Group cũng nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu ở khối tiêu dùng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

Ngoài ra, thị trường này ngày càng trở nên phân mảnh, các công ty tài chính tiêu dùng nhỏ và vừa, với mô hình kinh doanh tinh gọn và động lực tăng trưởng cao có cơ hội tốt để vượt lên, trong khi một số công ty hàng đầu có xu hướng chậm lại trong bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức, một số đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc và điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Đối diện nhiều thách thức

Có thể thấy, lĩnh vực tài chính tiêu dùng vẫn đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể như: Thứ nhất, rủi ro tín dụng và nợ xấu. Việc khách hàng không trả nợ đúng hạn hoặc không thể trả nợ gia tăngtrong bối cảnh các khách hàng vay có thu nhập không ổn định. Rủi ro tín dụng tăng cao, do một bộ phận người vay thiếu hiểu biết về khả năng tài chính của mình, dẫn đến việc vay quá mức và không thể trả nợ.

vay tiêu dùng
Tiêu dùng nói chung và tín dụng tiêu dùng sẽ có sự tăng trưởng bứt tốc trong quý IV/2024 này

Trong khi đó, việc thẩm định tín dụng đối với những khách hàng vay tiêu dùng thường gặp khó khăn, nhất là với những người có lịch sử tín dụng không rõ ràng, không có tài sản đảm bảo.

Thứ hai, là cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, công ty tài chính và các nền tảng vay trực tuyến đang gia tăng, tạo áp lực lên lợi nhuận, khiến các tổ chức tín dụng phải đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đôi khi không bền vững.

Thứ ba, là sự xuất hiện của các công ty cho vay tín dụng không chính thức, “tín dụng đen" hoặc cho vay với lãi suất cao và điều kiện không minh bạch vẫn tồn tại, gây khó khăn cho thị trường cho vay tiêu dùng chính thống. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, với sự phát triển của các nền tảng vay trực tuyến và công nghệ tài chính (Fintech), vấn đề bảo mật thông tin khách hàng trở thành một thách thức lớn. Lừa đảo và các hoạt động gian lận liên quan đến vay tiêu dùng trực tuyến đang gia tăng, khiến người tiêu dùng mất lòng tin và lo ngại khi tham gia vào các dịch vụ này.

Thứ tư, một số người tiêu dùng chưa có ý thức rõ ràng về việc quản lý tài chính cá nhân, dẫn đến việc vay tiêu dùng không hợp lý, sử dụng tín dụng không đúng mục đích và không có kế hoạch trả nợ rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ cũng như kiểm soát rủi ro.

Giải pháp thúc đẩy thị trường

Để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và có cơ hội bùng nổ trong năm 2025, TS Trần Văn Sáng, Đại học Trà Vinh phân tích, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng, tạo môi trường thuận lợi cho các công ty, tổ chức tín dụng. Đặc biệt trong việc chia sẻ dữ liệu người vay và phát triển công nghệ chấm điểm tín dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.

Mặt khác, phải tăng cường chính sách bảo vệ khách hàng vay tiêu dùng thông quá việc nâng cao công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay.

Về phía các công ty tài chính tiêu dùng, một là cần phát triển danh mục sản phẩm cho vay đa dạng, phù hợp với từng loại nhu cầu và đối tượng khách hàng khác nhau.

Hai là các công ty tài chính nên đưa ra chính sách lãi suất hợp lý để thu hút khách hàng, kết hợp với thủ tục vay đơn giản hóa, không yêu cầu khách hàng chứng minh thu nhập bằng giấy tờ, mà chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản như nghề nghiệp, số năm làm việc và mức thu nhập qua tin nhắn SMS để các chuyên viên tín dụng thực hiện thẩm định.

Ba là tăng cường đầu tư phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Các công ty cũng nên phối hợp phát triển cùng các mô hình kinh doanh mới như Fintech, Mobile Money để nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Bốn là chú trọng đào tạo cán bộ, nhất là các kỹ năng quan trọng như phân tích tín dụng tiêu dùng, chăm sóc khách hàng, thu hồi nợ, tư vấn và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.

Như vậy về tổng thể chúng ta phải có sự cải thiện về mặt pháp lý, công nghệ, cũng như nâng cao nhận thức tài chính của người tiêu dùng. Đồng thời, các công ty trong ngành cần đưa ra thị trường đa dạng sản phẩm cho vay hơn nữa, nhưng không quên tìm cách giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Diễm Ngọc