thutuong.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Học viện Phụ nữ Việt Nam, gặp mặt cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và giảng viên, sinh viên, học viên của Học viện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ôn lại quá trình đấu tranh gian khổ của dân tộc, với nhiều đau thương, mất mát trong công cuộc giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua thời kỳ cấm vận kéo dài, thực hiện công cuộc đổi mới để "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của mỗi gia đình, từng cộng đồng, xã hội và mỗi quốc gia, dân tộc.

Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ tinh thần yêu nước, bất khuất, khí phách quật cường với hình ảnh tiêu biểu của Bà Trưng, Bà Triệu và nhiều bậc tiền bối khác trước đây, đến những tấm gương sáng của những nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Chiên, Võ Thị Thắng… và sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đã trở thành những biểu tượng cao đẹp của phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dành tặng.

“Quan điểm “Nam, nữ bình quyền” của Đảng và Bác Hồ kính yêu được xác định ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930. Bác luôn quan tâm, đánh giá cao vai trò của phụ nữ và từng căn dặn: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.

Đặc biệt, Người khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, của dân tộc ta: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ””. - Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới với quan điểm xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế".

Ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào của đất nước, đều có sự hiện diện và vai trò to lớn, đóng góp bền bỉ, không mệt mỏi của chị em phụ nữ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ thời gian qua đã tạo môi trường để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế và có nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội; nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng, được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Thủ tướng nhắc lại, cách đây 60 năm, tại Đại hội liên hoan phụ nữ "5 tốt" năm 1964, Bác Hồ kính yêu đã dạy: "Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập".

Trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định rõ nhiệm vụ: "Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình".

Thủ tướng nhấn mạnh, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, bằng phẩm chất, tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái, với tinh thần quyết tâm cao, cùng cả nước nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục triển khai thiết thực, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có các Chỉ thị số 05, 06, 21 của Ban Bí thư về công tác xây dựng gia đình, công tác giảm nghèo bền vững, công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Các cấp Hội phụ nữ tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội phụ nữ nhiệm kỳ 2022-2027. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm sát sao, chỉ đạo, hỗ trợ Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt sứ mệnh, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Thủ tướng đề nghị Học viện Phụ nữ Việt Nam quyết tâm chính trị cao hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; không ngừng chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển và tầm nhìn đã đề ra; chú trọng tạo sự khác biệt, giá trị riêng có của Học viện Phụ nữ Việt Nam so với các cơ sở đào tạo khác.

Tham gia sâu hơn vào quá trình thúc đẩy thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giám sát, phản biện xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ Hội.

Đồng thời, tăng cường kết nối để các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia nhiều hơn, sâu hơn, thực chất hơn vào quá trình đào tạo tại Học viện; hỗ trợ người học phát huy năng lực sáng tạo, khả năng tư duy phản biện, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tăng cường hợp tác quốc tế; phát huy tiềm năng, thế mạnh và khẳng định uy tín, vị thế; tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới.

Lam Song