screen-shot-2024-10-16-at-14-22-14.png

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu khó khăn, song cũng có thể “chắp cánh” cho doanh nghiệp Việt.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế mới 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, Việt Nam đang bước đến những thời điểm quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

"Chắp cánh" doanh nghiệp

Các số liệu gần đây cho thấy Việt Nam đã đạt được những chuyển biến đáng kể. Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024, cả so với cùng kỳ các năm trước cũng như so với các nền kinh tế ở châu Á. Lạm phát và tỷ giá đều tương đối ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của Việt Nam đều có những sự “bứt phá” trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới và dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến khu vực Đông Nam Á.

Không chỉ dừng ở câu chuyện trong nước, Viện trưởng CIEM cho biết Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác phù hợp về các nội dung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Việt Nam và Singapore đã thiết lập Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh từ năm 2023.

Mặc dù vậy, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, đây chính là một thực tế đáng lo ngại, không chỉ về chất lượng của các văn bản mà còn về việc thiếu các thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng các chính sách cụ thể, “sát sườn” hơn. Chẳng hạn, nếu không có thông tin, phối hợp từ các doanh nghiệp thì các cán bộ, công chức sẽ không bao giờ tự nghiên cứu, tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể.

Ngay cả CIEM rất nhiều kinh nghiệm về sử dụng các mô hình định lượng để đánh giá tác động của chính sách, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn để “lượng hóa” tác động của đề xuất chính sách cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp. Thiếu thông tin, chia sẻ về những bài học thành công và thất bại của các doanh nghiệp đi trước cũng sẽ khiến các doanh nghiệp phải mày mò, tốn chi phí, thậm chí ngại đầu tư cho chuyển đổi.

Chính ở đây, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần được nhìn như một quá trình, trong đó điều kiện tiên quyết là phải có quan hệ đối tác lành mạnh, thực chất và bền chặt giữa các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và các viện nghiên cứu.

Viện trưởng CIEM khẳng định, chưa bao giờ sự kỳ vọng đối với đội ngũ doanh nhân lại lớn lao như hiện nay. Kinh tế đất nước muốn vươn mình thì không thể thiếu được đội ngũ doanh nhân phát huy vai trò tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.

Trong chừng mực ấy, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu khó khăn, song cũng có thể “chắp cánh” cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ở cả thị trường quốc tế và trong nước.

Đồng quan điểm, TS Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, tạo sự đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo xu hướng mới, mô hình kinh tế và kinh doanh mới và tạo ra cạnh tranh mới, thách thức mới với mọi quốc gia.

"Đây là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Do đó, mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp phải hết sức chủ động thích ứng, bắt nhịp để phát huy hiệu quả tính đột phá của cuộc cách mạng này, nhằm giải quyết các bài toán quốc gia về tăng trưởng và phát triển bền vững", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ.

Đồng thời cho rằng, để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng, cộng đồng doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức

Theo đó, trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt Nam đang phải dối diện với những thách thức chung như chuyển đổi kép cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, net zero trong phát triển năng lượng, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong xuất khẩu sản phẩm vào EU, Cơ chế chống đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), luật thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo dòng chảy thông tin, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới…

Bên cạnh đó là các khó khăn cụ thể như nguồn vốn, tài chính xanh, nhân sự có chuyên môn và lộ trình, cách thức tiến hành, thói quen kinh doanh, công nghệ và các giải pháp kỹ thuật cụ thể…

"Sứ mệnh của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng không chỉ là của những người làm khoa học công nghệ, năng lượng và môi trường, của nhà hoạch định chính sách mà của tất cả các chủ thể. Trong đó phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của các doanh nhân và doanh nghiệp", ông Huy nhấn mạnh.

img-6112.jpeg
Diễn đàn Kinh tế mới 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp.

"Củ cà rốt" khuyến khích và "cây gậy" là chế tài

Để hỗ trợ doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, doanh nghiệp hiện mong chờ ba điều từ cơ quan quản lý. Một là, danh mục phân loại xanh hai năm nay chưa có, đây là điều đáng tiếc. Từ danh mục phân loại xanh mới có tài chính xanh, tín dụng xanh và nhiều thứ xanh khác.

img-6111.jpeg
TS Cấn Văn Lực kiến nghị thành lập quỹ chuyển đổi xanh.

Hai là, Đề án kinh tế tuần hoàn Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tư vấn từ tháng 6/2022 nhưng hai năm vẫn chưa có kế hoạch hành động, cụ thể phát triển kinh tế tuần hoàn thế nào. Rõ ràng chúng ta rất chậm và mất nhiều cơ hội. Nếu chúng ta tận dụng tốt hơn tăng trưởng kinh tế GDP 6,5-7% là khả thi.

Ba là, khơi thông nguồn lực. Ông Lực quan sát thấy thị trường đất đai, bất động sản và thị trường khác rất lãng phí, nếu khơi thông thể chế, cơ chế chính sách thì nguồn lực rất lớn.

Về lâu dài, TS Cấn Văn Lực đề xuất ba điểm. Thứ nhất, năm ngoái kiến nghị sớm thành lập Uỷ ban Năng suất quốc gia, mong càng sớm càng tốt. Việc cải thiện năng suất lao động có nhiều tiến triển nhưng không như mong muốn, vì vậy, cần sớm thành lập uỷ ban này.

Thứ hai, khoa học công nghệ là mũi nhọn cực kỳ quan trọng sắp tới. Thế nhưng, cơ chế thử nghiệm sandbox ba năm vẫn chưa thấy để phát triển fintech, trí tuệ nhân tạo (AI)…

Bên cạnh đó, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ cần sớm thông qua để chuyển đổi số tốt hơn.

Thứ ba, doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh cần nguồn lực hỗ trợ, ngoài cơ chế chính sách.

"Chúng ta nên thành lập quỹ chuyển đổi xanh, muốn khuyến khích lĩnh vực nào chuyển đổi xanh nhanh hơn, cần "củ cà rốt" khuyến khích; còn "cây gậy" là chế tài. Chúng ta có Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 2020, đến nay năm 2024, việc phân loại rác thải vẫn ít địa phương làm", ông Lực kiến nghị.

Thy Hằng