Có một sự thật không thể phủ nhận rằng đại dịch COVID-19 đã và đang khiến cuộc sống trên toàn cầu thay đổi đến kinh ngạc. Ngay lúc này, bên cạnh tập trung ứng phó với tình hình dịch bệnh đầy phức tạp, cả thế giới đang trông đợi vắc-xin COVID-19 được sản xuất thành công, với hy vọng nó sẽ giúp đẩy lùi được dịch bệnh cũng như đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo bình thường.

Thế nhưng, một khi thế giới đã có vắc-xin COVID-19, liệu rằng mọi chuyện có trở lại như trước? Và những vấn đề nào chúng ta cần quan tâm trong tương lai? Sau đây là những nhận định/ dự đoán của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cộng đồng và sức khoẻ tâm thần về giai đoạn sau khi vắc-xin COVID-19 ra mắt!

Cần tiếp tục nghiên cứu hiệu quả của vắc-xin sau khi đã ra mắt

Vắc-xin COVID-19 được nghiên cứu, phát triển với tốc độ "thần tốc" làm dấy lên những quan ngại về hiệu quả thực sự của nó. Nhà khoa học, y tá Aparna Kumar, đồng thời là phó giáo sư tại Đại học Thomas Jefferson (Mỹ) chia sẻ: "Thật tuyệt khi khoa học đã có những bước tiến lớn nhưng điều đó cũng khiến chúng ta lo lắng về hiệu quả của những loại vắc-xin này."

Theo phó giáo sư Aparna Kumar, hiệu quả ở đây muốn đề cập về hoạt động của vắc-xin trong những điều kiện lí tưởng. Tính hiệu quả của vắc-xin còn thể hiện khả năng phòng chống bệnh ở người được tiêm ngừa so với số không tiêm.

Kumar, trưởng nhóm cộng đồng trang Dear Pandemic giúp cung cấp thông tin về COVID-19 từ các nhà nghiên cứu và bác sĩ, cho rằng vắc-xin sẽ không thể tiêu diệt được virus. Cô dẫn chứng vắc-xin phòng bệnh cúm tại Mỹ, dù vắc-xin giúp giảm tình trạng bệnh nặng nhưng vẫn có một lượng lớn người vẫn mắc cúm mỗi năm.

Kumar cho rằng sẽ khó đánh giá được hiệu quả của vắc-xin ngay lúc này vì chúng vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Các chuyên gia sẽ không thể kiểm định được công hiệu thực sự của vắc-xin COVID-19 cho đến khi chúng được tiêm ngừa cho cộng đồng.

Lo lắng về năng lực cung ứng vắc-xin

Tiến độ điều chế vắc-xin nhanh chưa từng có trong lịch sử còn khiến các chuyên gia lo ngại về năng lực cung ứng vắc-xin sau khi đã được cấp phép sử dụng. Nhà khoa học, bác sĩ Tony Moody tại Đại học Duke (Mỹ) chia sẻ, Mỹ đang gặp phải vấn đề về chuỗi cung ứng vắc-xin khi phải cùng lúc sản xuất một số lượng liều "khủng" vắc-xin và phân phối chúng kịp thời.

Vị bác sĩ này cũng đề cập đến vấn đề nắp và lọ chứa vắc-xin được sản xuất ở nước ngoài - rủi ro trong việc nhận nguồn hàng và số lượng không đáp ứng đủ.

Mong mỏi hệ thống y tế công cộng chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với dịch/ đại dịch bệnh

Kunmar hy vọng hệ thống y tế (ở Mỹ cũng như ở các nước khác trên thế giới) sẽ có những bước chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với nhiều nguy cơ cũng như đợt bùng phát dịch bệnh do virus corona gây ra trong tương lai.

"Chúng ta đã rút ra nhiều bài học về hệ thống y tế công cộng của mình trong đại dịch này và chúng ta có thể tiến hành cải thiện nó để ứng phó với những dịch bệnh có tiềm năng bùng phát trong tương lai", Kunmar chia sẻ.

Cô cũng cho biết thêm rằng nhiều người dân giờ đây đã hiểu được mục đích của những biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang - 2 điều trước đây vốn "xa lạ" với người Mỹ.

Các chuyến đi công tác sẽ được hạn chế và tăng hình thức làm việc từ xa

Bác sĩ Godwin dự đoán những chuyến đi công tác sẽ được hạn chế và hình thức làm việc tại nhà sẽ được chú trọng hơn. "Tôi cho rằng những chuyến đi công tác sẽ giảm đi. Hiện chúng ta không cần phải gặp mặt trực tiếp để giải quyết công việc nữa.", nữ bác sĩ này cho biết.

Ảnh: MOMO PRODUCTIONS/ GETTY IMAGES  

Virus sẽ không biến mất hoàn toàn

Đại dịch COVID-19 sẽ không biến mất kể cả khi vắc-xin đã được đưa vào sử dụng trong cộng đồng. Bác sĩ Godwin lưu ý virus vẫn có thể lây truyền dù đã có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả - đó là do một bộ phận người dân không muốn tiêm vắc-xin.

"Chúng ta sẽ sống chung với COVID một thời gian", bác sĩ Godwin nói.

Nguồn: Huffpost

Theo Pháp luật và Bạn đọc