Tàu cảnh sát biển Philippines và tàu hải cảnh Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarborough (Ảnh: AFP).

Ngày 3/5, Ngoại trưởng Locsin đăng trên Twitter một tuyên bố chỉ trích Trung Quốc với những ngôn từ cứng rắn, yêu cầu tàu Trung Quốc "rời ngay lập tức khỏi vùng biển của Philippines".

Phản ứng giận dữ của nhà ngoại giao Manila diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những thông tin về việc các tàu hải cảnh của Trung Quốc bị nghi có hành vi quấy rối tàu cảnh sát biển của Philippines ở khu vực lân cận bãi cạn Scarborough.

Nằm cách đảo Luzon của Philippines 220km về phía đông, bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) là khu vực tranh chấp giữa hai nước từ nhiều năm nay. Trung Quốc đã chiếm giữ khu vực này từ năm 2012 và thường xuyên ngăn cản ngư dân Philippines tới gần ngư trường dồi dào trên để đánh bắt, thậm chí sử dụng cả vòi rồng để xua đuổi.

Trong thông báo ngày 3/5, Bộ Ngoại giao Philippines cho hay "Trung Quốc không có bất cứ quyền hành pháp nào ở những khu vực này và sự hiện diện trái phép và kéo dài của các tàu Bắc Kinh là sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Philippines".

Theo SCMP, ông Locsin từ trước tới nay được biết tới là chính trị gia thường sử dụng ngôn từ cứng rắn.

Khi được hỏi về dòng tweet của Ngoại trưởng Locsin, phát ngôn viên tổng thống Philippines, ông Harry Roque, tuyên bố  "không can thiệp vào quyền tự do ngôn luận của ông Locsin".

Trung Quốc hiện vẫn chưa lên tiếng về phát biểu từ nhà ngoại giao hàng đầu của Manila.

Nhà phân tích quốc phòng Chester Cabalza nhận định rằng, ngôn từ cứng rắn từ ông Locsin thể hiện sự bức xúc ngày càng gia tăng ở Philippines liên quan tới các động thái của Trung Quốc trong khu vực.

Ngày 2/5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, nước này "thừa nhận rằng năng lực quân sự của Trung Quốc lớn hơn Philippines nhưng điều này không ngăn cản chúng tôi bảo vệ các lợi ích quốc gia".

Bãi cạn Scarborough là một phần trong vụ kiện do Philippines khởi xướng tại tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Hay (Hà Lan) chống lại yêu sách "đường chín đoạn" phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong phán quyết hồi tháng 7/2016, tòa trọng tài đã chính thức bác bỏ yêu sách này, song Bắc Kinh đến nay vẫn lớn tiếng phủ nhận và ngang nhiên không tuân thủ bất kỳ kết luận nào của tòa.

 

Đức Hoàng (Nguồn SCMP)
Theo Dân trí