Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút vận hành thử nghiệm nhà máy Lego hơn 1,3 tỷ USD tại Bình Dương.

Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút vận hành thử nghiệm nhà máy Lego hơn 1,3 tỷ USD tại Bình Dương.

Chia sẻ tại buổi họp báo trong khuôn khổ Lễ Tổng kết tiến độ Dự án nhà máy Lego Manufacturing Việt Nam, ông Jesper Hassellund Mikkelsen - Phó Chủ tịch cấp cao khối Sản xuất châu Á, Tập đoàn Lego, Tổng Giám đốc Lego Manufacturing Việt Nam cho biết, nhà máy Lego tại Bình Dương không chỉ là cơ sở sản xuất mà còn là một khoản đầu tư chiến lược cho tương lai của Tập đoàn Lego. Nhà máy là một phần trong chiến lược mở rộng mạng lưới cung ứng của Tập đoàn nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng dài hạn chuỗi cung ứng và cho phép Lego tiếp cận nhiều trẻ em hơn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo ông Jesper Hassellund Mikkelsen, có 3 nguyên nhân chính khiến cho việc xây dựng nhà máy Lego tại Bình Dương diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vòng 2 năm đã hoàn thành hơn 90% quá trình xây dựng và lắp đặt thiết bị, tạo tiền đề cho việc chính thức đi vào vận hành sản xuất vào đầu năm 2025.

Thứ nhất và cũng là quan trong nhất, đó là ở Việt Nam, Tập đoàn Lego có một đội ngũ nhân viên vô cùng xuất sắc. Đây là đội ngũ đã thúc đẩy tiến độ của dự án trong suốt 2 năm qua.

Thứ hai, Lego may mắn khi được làm việc với các đối tác cũng như các nha thầu có nhiều kinh nghiệm và chuyên nghiệp đã giúp Lego đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Thứ ba, mặc dù đầu tư tại một quốc gia mới, nhưng Lego đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam. Bất cứ khi nào gặp khó khăn, vướng mắc cũng đều được các cơ quan chức năng nhiệt tình hướng dẫn, giải đáp, qua đó, nhanh chóng tháo gỡ được những vướng mắc trong quá trình xây dựng.

lego(1).jpg
Trao đổi với ông Jesper Hassellund Mikkelsen, lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của công ty; đảm bảo cho nhà máy Lego hoạt động hiệu quả - Ảnh: Đình Đại.

Đánh giá về tiềm năng thị trường đồ chơi của Việt Nam, ông Jesper Hassellund Mikkelsen cho biết, với 100 triệu dân, Việt Nam đang là một thị trường rất tiềm năng. Ông cũng cho rằng, dân số cũng như kinh tế của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Do đó, đây cũng là một thị trường mà Tập đoàn Lego có thể phát triển thêm.

Chia sẻ về cơ hội để doanh nghiệp, nhà cung ứng của Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho Lego, ông Jesper Hassellund Mikkelsen cho biết, Lego là một tập đoàn toàn cầu, nhưng hoạt động tại địa phương. Do đó, khi làm việc với các nhà thầu địa phương về việc cung ứng vật liệu, cung ứng dịch vụ, Tập đoàn Lego cũng sẽ đưa một số tiêu chí để xem xét và lựa chọn nhà thầu.

Cụ thể, tiêu chí thứ nhất và trên hết là về chất lượng sản phẩm và dịch vụ; Tiêu chí thứ hai là về các tiêu chuẩn an toàn của các nhà cung ứng; Tiêu chí thứ ba là về mặt thời gian cung ứng cũng như thời gian sản xuất của nhà thầu; Tiêu chí thứ tư là về giá cả.

“Một tiêu chí cũng rất quan trọng nữa mà Tập đoàn Lego rất quan tâm đó là tiêu chí về phát triển bền vững. Lego luôn mong muốn, đồng thời yêu cầu các nhà thầu có thể tham gia vào quá trình phát triển bền vững của đất nước cũng như của thế giới. Do đó, đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng để Lego có thể đánh giá các nhà cung ứng”, ông Jesper Hassellund Mikkelsen chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, khi Tập đoàn Lego nhìn nhận lại toàn bộ bức tranh toàn cảnh của chuỗi cung ứng tại Việt Nam, ngoại trừ các nhà thầu tham gia vào quá trình xây dựng, bởi hầu hết đều là các nhà thầu của địa phương, những nhà thầu cung cấp dịch vụ cũng như nguyên vật liệu, Việt Nam cũng có rất nhiều triển vọng, và nhiều nhà thầu có thể đáp ứng được nhu cầu của Lego.

Sắp tới, khi nhà máy đi vào hoạt động vào đầu năm 2025, Tập đoàn Lego mong muốn được hợp tác với nhiều nhà thầu có kinh nghiệm tại địa phương hơn nữa.

Chia sẻ về chiến lược của Lego trong thời gian tới, ông Jesper Hassellund Mikkelsen cho biết, kết thúc giai đoạn 1 khi nhà máy chính thức đi vào vận hành sản xuất vào đầu năm 2025, dự án sẽ bước vào giai đoạn 2 (Giai đoạn huấn luyện chuyên sâu) dành cho nhân viên.

Trong giai đoạn này, nhân viên của nhà máy sẽ được huấn luyện trong và ngoài nước để đảm bảm kiến thức để có thể vận hành được nhà máy. Khi giai đoạn huấn luyện chuyên sâu này hoàn thành thì nhà máy sẽ đi vào sản xuất hàng loạt và phải mất khoảng từ 2-3 năm để có thể ổn định được sự vận hành của nhà máy cũng như căn chỉnh và tối ưu hóa quy trình vận hành.

"Sau đó, tùy thuộc vào tình hình bán hàng cũng như tiếp thị trên thị trường châu Á, Lego sẽ tiến hành việc mở rộng nhà máy, tuy nhiên, kế hoạch này có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào thị trường", ông Jesper Hassellund Mikkelsen chia sẻ thêm.

Theo Đình Đại  - Diễn đàn Doanh nghiệp