Theo chia sẻ từ nhiều doanh nghiệp (DN), đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trở lại nhưng có rất ít DN tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ từ đợt dịch trước, như gói 16.000 tỉ đồng, gói 62.000 tỉ đồng…
Nhiều điều kiện vô lý!
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, phản ánh toàn ngành dệt may có rất ít DN tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến dịch Covid-19 bởi điều kiện rất ngặt nghèo. "Điều kiện là số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc chiếm từ 50% tổng số lao động trước khi DN tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc DN bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo các quy định hiện hành. Thực tế, DN không hề muốn cho 50% lao động nghỉ việc bởi trong ngành dệt may, mất đi số lao động đó là coi như DN giải tán, phá sản rồi" - ông Hồng than phiền.
Thay vào đó, hầu hết DN dệt may cố gắng giữ lao động, duy trì việc làm dù phải vào ca cách nhật và giảm thu nhập để giữ việc làm cho công nhân và duy trì sản xuất, kinh doanh của DN, chờ thời cơ hồi phục. Bởi vậy, khi đưa ra điều kiện như trên, đa phần DN không tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi. "Giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho DN vẫn là nên giãn nợ thuế, BHXH. Đồng thời, thay đổi điều kiện của gói hỗ trợ cho phù hợp với thực tế để DN có cơ hội tiếp cận, đặc biệt là quy định về quy mô DN cũng như tỉ lệ lao động thất nghiệp theo quy định" - ông Hồng kiến nghị.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cũng nêu thực trạng tính đến thời điểm này, chưa có DN dệt may nào trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp cận được các gói ưu đãi của Chính phủ bởi điều kiện tiếp cận rất khó khăn. "DN phải đạt điều kiện cả tháng không có doanh thu thì mới được vay ưu đãi để trả 1,8 triệu đồng/tháng cho người lao động. Trong khi đó, nếu không có doanh thu thì phương án tốt hơn sẽ là cho người lao động nghỉ việc thay vì vay tiền ngân hàng (NH) để trả cho người lao động. Khi cho người lao động nghỉ việc, bản thân họ cũng được nhà nước hỗ trợ khoản trợ cấp thất nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, hầu hết DN dệt may xoay chuyển sang sản xuất khẩu trang, áo y tế, hàng nội địa khác để cầm cự. Chỉ có 4%-5% ngừng sản xuất trong khoảng vài tuần lễ nhưng không đủ điều kiện tiếp cận gói ưu đãi" - ông Dương chỉ rõ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá chính sách hỗ trợ hiện nay chưa phát huy hiệu quả ở chỗ hướng vào hỗ trợ những DN đã hết khả năng hoạt động, không còn "sống" được, trong khi việc cần thiết là hỗ trợ DN còn khả năng xoay xở để tồn tại.
Theo lãnh đạo một công ty lữ hành lớn tại TP HCM, có quá nhiều đầu việc, tiêu chí, điều kiện DN phải làm để xác nhận là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương. Thậm chí, có những điều kiện vô lý mà DN không thể đáp ứng được. "Công ty tôi có khoảng 300 cán bộ - nhân viên, do ảnh hưởng dịch nhiều nhân viên phải nghỉ luân phiên, nghỉ không lương, làm đủ nghề tay trái như bán hàng online để duy trì cuộc sống… Nếu được hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng sẽ giúp cán bộ - nhân viên có thêm chi phí trang trải nhưng những quy định như trên chẳng khác nào đòi hỏi DN phải phá sản trước khi người lao động được hỗ trợ" - vị lãnh đạo công ty này băn khoăn.
Cần gỡ vướng kịp thời
Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP HCM, khẳng định chưa có DN nào trong ngành du lịch trên địa bàn tiếp cận được các gói hỗ trợ của nhà nước.Mới đây, Hiệp hội Du lịch TP đã có văn bản gửi NH Nhà nước Chi nhánh TP liên quan đến các giải pháp hỗ trợ DN trong ngành. Cụ thể, kiến nghị tiếp tục tạo điều kiện cho DN triển khai áp dụng Thông tư số 01 của NH Nhà nước về miễn giảm lãi vay, khoanh giãn nợ, cơ cấu lại nợ…; giảm lãi vay cho DN; hỗ trợ thủ tục hành chính thuận lợi hơn để các DN du lịch tiếp cận được gói ưu đãi về vốn nhanh nhất có thể.Khó khăn của DN du lịch là thường ít tài sản thế chấp; dòng tiền, doanh thu do bị tác động nặng của dịch bệnh nên suy giảm trầm trọng… nên gặp khó trong việc tiếp cận vốn ưu đãi hoặc vay mới để bổ sung vốn lưu động, duy trì hoạt động kinh doanh. "DN trong ngành du lịch mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời của ngành NH bởi những yếu tố này góp phần quyết định sự sống còn của DN kinh doanh du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn…" - bà Nguyễn Thị Khánh nói.Dự đoán ngành dệt may sẽ gặp khó khăn đỉnh điểm vào cuối năm nay tới đầu năm sau chứ chưa phải thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Xuân Dương kiến nghị kéo dài thêm thời gian hỗ trợ DN đến tháng 6-2021, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn chưa khống chế được dịch và Việt Nam đối mặt với một đợt dịch mới. Theo đó, hỗ trợ trực tiếp cho DN thông qua miễn, giảm đóng BHXH, một số loại phí khác để DN duy trì được hoạt động, giữ chân người lao động. Ngoài ra, cần hỗ trợ lãi vay cho các NH để họ có thể giảm lãi suất cho DN vay xuống còn 2%-3%. Đồng thời, ưu đãi thuế đất, thuế phí khác cho DN đầu tư nước ngoài để tăng cường công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ để hưởng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại đã ký kết.TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng trong bối cảnh này đòi hỏi các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được thực hiện quyết liệt, triển khai nhanh, trúng và hiệu quả hơn nữa cũng như đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.
Cụ thể, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người dân và DN như tháo gỡ vướng mắc trong gói 16.000 tỉ đồng cho vay lãi suất 0% để DN có thể trả lương; xem xét sớm quyết định cho phép gia hạn thời gian giãn, hoàn thuế, tiền thuê đất (trước mắt là hết năm 2020) để DN đỡ khó về thanh toán chi phí.Ông Lực cũng kiến nghị sửa đổi Thông tư 01 của NH Nhà nước theo hướng gia hạn hơn nữa thời gian giãn, hoãn nợ đến hết năm nay và mở rộng đối tượng được hỗ trợ; tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN vừa và nhỏ bằng cách tăng cho vay qua Quỹ Phát triển DN vừa và nhỏ, khởi động hoạt động thực chất của các Quỹ Bảo lãnh vay vốn DN vừa và nhỏ.
Rà soát những đối tượng được hỗ trợ trong các ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 như du lịch, vận tải - kho bãi, bán lẻ, dệt may, giáo dục đào tạo để bổ sung kịp thời… "Khi đó, tổng giá trị các gói hỗ trợ của Việt Nam khoảng 4%-5% GDP. Cần đề xuất cơ chế, phân quyền đặc thù cho Thủ tướng và Chính phủ để có thể ra quyết định nhanh chóng, kịp thời" - TS Cấn Văn Lực nói.Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP, cho biết dịch Covid-19 đang trở lại với diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan cộng đồng nhanh khiến nhiều DN "tụt huyết áp" vì chưa kịp hồi phục sau đợt dịch đầu tiên đã phải chịu thêm cú bồi lần này. Tình cảnh hiện tại, cộng đồng DN ý thức rõ là phải tự cứu trước khi được cứu.
Quá trình tái cấu trúc phải được thực hiện thường xuyên, chủ động. Chính phủ đồng hành với DN vượt khó bằng cách hỗ trợ môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn chứ không thể trông chờ Chính phủ cho không, phát không tiền cho DN. Đặc biệt, trong lúc này, DN phải thực hiện tốt các chỉ thị của Chính phủ về phòng chống dịch để vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa liên kết với nhau cùng chia sẻ khó khăn, tăng tiêu thụ sản phẩm của nhau để giúp nhau tồn tại.
Tìm cách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể
Chiều 3-8, UBND TP HCM đã có công văn gửi thủ trưởng các sở - ban - ngành; chủ tịch UBND quận - huyện về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, UBND TP giao Sở Công Thương chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để phát triển thị trường nông sản; tăng cường công tác quản lý, dự báo, thông tin về thị trường nông sản để hạn chế tình trạng được mùa mất giá; hỗ trợ mở rộng thị trường đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu…
UBND TP cũng giao các đơn vị liên quan đến thuế, tài chính, hải quan… hướng dẫn thực hiện các quy định về gia hạn thời gian nộp thuế; nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí liên quan đến logistics, thủ tục hải quan để tạo điều kiện cho hợp tác xã giảm chi phí và nhập khẩu vật tư, nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu hàng hóa; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng ưu đãi cho các hợp tác xã vay. Đồng thời, khuyến khích NH thương mại ưu tiên hỗ trợ, giúp các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi khi hợp tác xã có nhu cầu vay vốn.
Theo Người lao động