Trưa 1-9, trao đổi với Báo Người Lao Động về công tác công tác thu hồi sản phẩm pate Minh Chay trên địa bàn TP HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, cho hay cập nhật đến 0 giờ cùng ngày, TP chỉ mới thu hồi được 72 trong số 1.559 sản phẩm đã bán.

"Chuyện thu hồi sản phẩm chứa độc tố trong lúc này như hốt nước đã đổ nên rất khó.

Ví dụ, khi chúng tôi gọi đến thì có người nói không biết chuyện này, có trường hợp không liên lạc được hoặc có người đã sử dụng hết. Nhiều người tiêu dùng rất hợp tác nhưng cũng có người muốn giữ lại sản phẩm để sau này được công ty đền bù thiệt hại.

Chúng tôi phải giải thích cho họ là công tác thu hồi có lập biên bản theo quy định, người mua không lo không còn bằng chứng để làm việc với công ty.

Đáng lo nhất là trường hợp nhiều người mua pate Minh Chay dùng để biếu tặng, cúng dường cho chùa và các vị tu hành trong chùa có thể đã sử dụng. Chúng tôi đang nắm thông tin từng trường hợp để cảnh báo cho địa phương xử lý kịp thời. Đây là tình huống "cấp cứu" nên cần phải xử lý nhanh để tránh hậu quả nghiêm trọng.

Pate Minh Chay được bán qua mạng - Ảnh chụp qua màn hình  

Chúng tôi cũng ghi nhận một trường hợp cúng dường pate Minh Chay cho một chùa ở Bến Tre và sư thầy gần 100 tuổi đã sử dụng.

Điều quan trọng nhất hiện nay là công tác tuyên truyền để người dân được biết sự nguy hiểm của các sản phẩm có chứa độc tố của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (chủ thương hiệu Minh Chay) vì sản phẩm được phân phối khắp cả nước chứ không chỉ TP HCM, nơi người dân cập nhật thông tin thường xuyên" – bà Phong Lan nói.

Không nên tự ý vứt bỏ sản phẩm

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP khuyến cáo trường hợp người mua đang giữ sản phẩm pate Minh Chay và các sản phẩm khác trong diện thu hồi của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới cần phải ngưng sử dụng ngay lập tức và cách ly thực phẩm này với những thực phẩm khác để chờ thu hồi. Người mua không nên tự ý đem vứt bỏ mà hãy chờ cơ quan chức năng, doanh nghiệp thu hồi đúng cách để không gây mối nguy cho cộng đồng.

Theo Người Lao Động