Techcombank cho biết, từ ngày 5/11, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn gấp 33 lần, lên mức 1%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Trước đó, bất chấp các ngân hàng khác tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn kể từ cuối tháng 9, Techcombank vẫn duy trì mức lãi suất của loại tiền gửi này ở mức thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống, chỉ 0,03%/năm.

Trong vài năm gần đây, Techcombank vẫn được xem là “ông vua” về tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại Việt Nam. Tỷ lệ CASA của nhà băng này từng đạt kỷ lục trên 50% vào cuối năm 2021 và có xu hướng sụt giảm vài quý gần đây, đến cuối tháng 9/2022 còn khoảng 46,5%. Không chỉ tại Techcombank mà đây là xu hướng chung của hệ thống khi tỷ lệ CASA của những ngân hàng như MB, Vietcombank,…cũng sụt giảm trong 9 tháng đầu năm.

Sau khi Techcombank tăng lãi suất này lên 1%/năm thì nhóm Big 4 đang là những ngân hàng có lãi suất không kỳ hạn thấp nhất hệ thống. Cụ thể, Vietcombank, BIDV và VietinBank vẫn giữ nguyên niêm yết 0,1%/năm. MB và Agribank cao hơn khi áp dụng 0,5%/năm.

Tiền gửi không kỳ hạn là loại sản phẩm tiền gửi mà hầu như người dùng ngân hàng nào cũng có, dù ít hay nhiều. Đây là loại hình tiết kiệm không quy định về thời gian tiền gửi cũng như số dư ấn định trong tài khoản. Khách hàng của tiền gửi không kỳ hạn chủ yếu là những người cần nhờ ngân hàng bảo quản thay số tiền và sẽ rút trong tương lai gần ngay khi có nhu cầu sử dụng mà không cần thông báo trước với ngân hàng. Tiền gửi không kỳ hạn cũng còn được gọi là tiền gửi thanh toán.

Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hiện nay còn được áp dụng cho các khoản rút tiền gửi trước hạn một phần ở nhiều ngân hàng. Do đó, việc tăng mạnh lãi suất loại tiền gửi này sẽ giúp người gửi tiền (cả có kỳ hạn hay không kỳ hạn) đều có lợi hơn so với trước.

Trên thực tế, những năm trở lại đây, đặc biệt là trong 2 năm Covid, các ngân hàng niêm yết lãi suất không kỳ hạn ở mức rất thấp 0,1%/năm với ý nghĩa tượng trưng là cứ để tiền trong ngân hàng thì đều có lãi. Thay vì chạy đua lãi suất đối với loại tiền gửi này, các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư công nghệ để mang đến trải nghiệm vượt trội trên kênh số, từ đó duy trì sức cạnh tranh để thu hút người dùng. Tuy nhiên, đó là trong bối cảnh trần lãi suất huy động của loại tiền gửi này ở mức thấp chỉ 0,2%/năm trong giai đoạn 2020-2021. Còn hiện nay, trần lãi suất này đã tăng lên 1%/năm, tức sẽ có sự chênh lệch không nhỏ giữa các ngân hàng, buộc những nhà băng dù có lợi thế về tiền gửi không kỳ hạn như Techcombank và MB cũng đã phải tăng lãi suất đáng kể.

Minh Vy
Theo Nhịp sống thị trường