Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh quốc và Ngân hàng Dự trữ Australia sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách trong tuần này. Tình hình kinh tế của Trung Quốc đã được xác định rõ ràng, trong khi nguy cơ vỡ nợ chính phủ của Nga – chưa từng có - ngày càng lớn dần. Đồng USD cũng là trọng tâm chú ý của thị trường trong thời gian này.

Dưới đây là những sự kiện kinh tế - tài chính quốc tế đáng chú ý trong tuần tới - tuần đầu tiên của tháng 5.

1 / Fed ngày càng ‘diều hâu’

Những phát ngôn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng ‘diều hâu’ đang gây ra những đợt bán tháo trên các thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Thứ Tư tới (4/5), ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cho biết kế hoạch của họ trong những tháng tới sẽ tích cực đến mức nào.

Fed đã phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 5, và các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất của Mỹ sẽ tăng tổng cộng 240 điểm phần trăm trong năm 2022.

Nhiều người cho rằng Fed sẽ tiếp tục gây bất ngờ bởi họ phải ‘chiến đấu’ với điều tồi tệ nhất – lạm phát cao nhất trong vòng 4 thập kỷ.

Các thị trường cũng sẽ tập trung vào kế hoạch của Fed đối với bảng cân đối kế toán trị giá gần 9 nghìn tỷ USD – có thể sẽ bắt đầu giảm từ đầu tháng 5.

Bảng cân đối tài sản và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

2 / Anh có thể nâng lãi suất 4 lần liên tiếp

Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ diễn ra một ngày sau cuộc họp của Fed, ở đó dự kiến BoE sẽ nâng lãi suất lần thứ tư liên tiếp – điều chưa từng làm kể từ năm 1997.

Chủ tịch BoE, Andrew Bailey, nói rằng ngân hàng đang đi vào "lằn ranh giới đỏ" giữa việc kiềm chế lạm phát, ở mức 7%, gấp hơn ba lần mục tiêu của họ và tránh suy thoái kinh tế.

Dự kiến mức tăng lãi suất thêm 1/4 lên 1% sẽ đáp ứng điều kiện tiên quyết để BoE bắt đầu tích cực bán số trái phiếu mà họ nắm giữ.

Một câu hỏi lớn đối với các thị trường là khi nào thì những đợt bán hàng này sẽ bắt đầu? Các nhà phân tích và các thương nhân dự kiến điều đó sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến cuối năm 2023.

Hoạt động bán trái phiếu tích cực sẽ thắt chặt các điều kiện tiền tệ nhưng có thể làm tổn hại đến nền kinh tế đang suy thoái và chưa có ngân hàng trung ương lớn nào bắt đầu quá trình này.

Lượng trái phiếu chính phủ mà BoE nắm giữ.

3 / Lợi nhuận ‘khủng’ cho những người nắm giữ USD

Tháng 4 đã trở thành tháng tồi tệ nhất đối với bất kỳ ai quay lưng lại với đồng USD.

Chỉ số đồng đô la (DXY) đã tăng 5% do dòng tiền chảy mạnh vào nơi trú ẩn an toàn này và những động thái cũng như thái độ ‘táo bạo’ của Fed – khiến euro và yen lao dốc thê thảm. Tiền tệ của các thị trường mới nổi, dẫn đầu là nhân dân tệ, cũng chung cảnh ngộ như euro và yen.

Diễn biến trên của thị trường tiền tệ đang làm cho các điều kiện tài chính toàn cầu trở nên bị thắt chặt, có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Các công ty ở Nhật Bản, Đức và các nơi khác phải đối mặt với chi phí nhập khẩu tăng đối với các vật liệu và linh kiện có giá tính bằng USD.

Trong quá khứ, một số chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed khiến USD suy yếu vào thời điểm Fed bắt đầu thắt chặt. Tuy nhiên, lần này lại giống với năm 1994, khi lãi suất của Mỹ tăng 300 điểm phần trăm khiến chỉ số đồng USD tăng 4,6% (sau khi đã tăng 10,3% trong năm 1993). Những động thái đó được cho là nguyên nhân dẫn đến những làn sóng khủng hoảng tiếp theo ở các thị trường mới nổi.

Giá trị đồng USD cao nhất trong vòng 20 năm.

4 / Từ Trung Quốc đến Australia

Đồng nhân dân tệ, giảm 4% trong tháng này, có thể sẽ còn giảm nữa sau khi dữ liệu cuối tuần cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4/2022 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 do việc phong tỏa xã hội nghiêm ngặt trên diện rộng liên quan tới đại dịch Covid-19 làm ngừng trệ hoạt động sản xuất công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bắc Kinh dường như coi đồng nhân dân tệ là đòn bẩy chính sách chính của mình. Vậy nhưng, ít nhất là cho đến lúc này, họ đã gây thất vọng nhiều cho các thị trường chứng khoán - vốn đã hy vọng vào sự trợ giúp rõ ràng hơn của chính phủ hoặc cho phép nới lỏng các biện pháp phong tỏa hà khắc chống Covid-19.

Sự suy thoái của Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đến các đối tác quan trọng của họ, đẩy đồng đô la Australia giảm khoảng 4,5% cho đến hết tháng 4/2022.

Với dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát của Australia trong quý đầu tiên ở mức cao nhất trong vòng 20 năm, dự đoán ngân hàng trung ương nước này có thể bắt đầu một giai đoạn thắt chặt tiền tệ ngay sau thứ Ba (3/5), mặc dù tốc độ tăng không lớn.

Các nhà kinh tế cho rằng Australia có thể sẽ nâng lãi suất thêm 15 điểm phần trăm.

Nhân dân tệ và đô la Australis đều giảm mạnh

5 / Vấn đề Khí đốt nóng lên

Moscow đã phát huy lợi thế của mình trong việc trả đũa các đối thủ phương Tây bằng quy định khách hàng mua khí đốt phải thanh toán bằng tiền rúp. Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi hai nước này từ chối chấp nhận yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp thay vì euro.

Ủy ban châu Âu đã cảnh báo rằng các khoản thanh toán bằng đồng rúp có thể vi phạm các lệnh trừng phạt, nhưng các quan chức EC vẫn đang bất đồng ý kiến về vấn đề này.

Đối với Đức, khí đốt của Nga chiếm khoảng 1/3 tổng lượng khí đốt mà họ sử dụng. Do đó, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này có thể rơi vào suy thoái nếu nguồn cung bị cắt giảm.

Trong khi đó, ‘đồng hồ cát’ đang chảy đối với thời hạn mà Nga phải thanh toán các trái phiếu chính phủ đã đến hạn vào ngày 4 tháng 4. Nếu không thanh toán trong thời gian ân hạn 30 ngày, nước Nga sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Tham khảo: Refinitiv

 

Vân Chi
Theo Nhịp sống kinh tế