Chỉ trong vòng 3 tháng qua, giá đậu tương đã tăng trên 30%, hiện đạt mức cao nhất trong vòng hơn 4 năm (khoảng 11,40 USD/bushel), ngô tăng trên 25%, đạt mức cao nhất 1 năm (khoảng 4,14 USD/bushel), trong khi lúa mì cũng tăng khoảng 20% lên (khoảng 6 USD/bushel).

Thời tiết bất lợi ở Mỹ và một số nơi thuộc Nam Mỹ cũng như Châu Âu trong thời gian qua ảnh hưởng tới sản lượng các loại cây trồng. Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh, nhất là đối với ngô và đậu tương, khiến cho lượng dự trữ ở Mỹ sụt giảm mạnh và đẩy giá tăng vọt.

Sản lượng đậu tương Mỹ niên vụ 2020/21 Bộ Nông nghiệp nước này (USDA) dự báo sẽ chỉ đạt 113,5 triệu tấn, giảm so với 116,15 triệu tấn dự báo cách đây một tháng; tồn trữ cuối vụ cũng được điều chỉnh giảm xuống 5,2 triệu tấn, từ mức 7,9 triệu tấn đưa ra hồi tháng 10.

Các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu của Trung Quốc sẽ không bao giờ chậm lại. Trên thực tế, kể từ đầu thập kỷ trước, sản xuất nhiều loại ngũ cốc của Trung Quốc đã khó bắt kịp nhu cầu khi nhu cầu không ngừng gia tăng 'bùng bổ'. Năm 2018 nhập khẩu ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi vào Trung Quốc giảm là do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, tiếp đến la cuộc chiến thương mại với Mỹ. Còn nếu trong điều kiện bình thường, thị trường này chắc chắn sẽ luôn duy trì nhu cầu mạnh.

Nhập khẩu đậu tương vào Trung Quốc tháng 9/2020 đạt 9,79 triệu tấn, tăng 1,9% so với tháng 8/2020 nhưng tăng tới 19% so với tháng 9/2019. Trong đó, riêng nhập khẩu từ Brazil tháng 9/2020 đã tăng 51,4% so với một năm trước đó, đạt 7,25 triệu tấn. Các nhà chuyên môn cho biết, xu hướng Trung Quốc tăng nhập khẩu vẫn đang tiếp diễn.

(USDA cho biết, hạn hán trong thời gian qua và xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc khiến dự trữ đậu tương của nước này dự báo sẽ giảm mạnh. Dự báo đến cuối niên vụ 2020/21, tỷ lệ dự trữ - sử dụng đậu tương của nước này sẽ là 4,2%, mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Trung Quốc tăng nhập khẩu ngô giữa lúc nguồn cung mặt hàng này của Argentina và Brazil bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn. Sản lượng ngô Mỹ niên vụ 2020/21 được USDA dự báo là sẽ giảm 5,5 triệu tấn xuống 368,5 triệu tấn, trong khi xuất khẩu sẽ tăng 3,8 triệu tấn, khiến dự trữ cuối vụ giảm xuống 43,2 triệu tấn (thấp hơn 11,8 triệu tấn so với con số dự báo cách đây một tháng). Sản lượng ngô Ukraina cùng vụ dự báo cũng sẽ giảm xuống 28,5 triệu tấn, từ mức 36,5 triệu tấn của vụ trước.

Trong thời gian tới, thị trường ngô sẽ theo dõi sát tình hình thời tiết ở vùng Safrinha của Brazil để xác định mức độ ảnh hưởng tới sản lượng trong vụ tới.

Đối với mặt hàng lúa mì, triển vọng giá trong thời gian tới cũng rất tích cực. Trong báo cáo tháng 11/2020, USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2020/21 sẽ tăng khá mạnh, từ đó thúc đẩy xuất khẩu từ Nga tăng 0,5 triệu tấn và EU tăng 0,5 triệu tấn, trong khi sản lượng của Argentina dự báo giảm khoảng 1 triệu tấn (so với dự báo tháng 10) xuống 18 triệu tấn do hạn hán và sương giá, khiến lượng tồn trữ cuối vụ trên toàn cầu sụt giảm.

Vân chi (Tham khảo USDA, Ahdb, Reuters)
Theo Trí thức trẻ