Song người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo, mua phải hàng giả, hàng nhái. Số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy trung bình mỗi năm, đơn vị xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan giao dịch online.
Mặc dù, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đã được quy định bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng nảy sinh một số vương mắc như những quy định về quyền hạn cũng như nguồn lực để thực thi chưa được cụ thể, đồng thời pháp luật chưa phân loại chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng lĩnh vực cụ thể, từng nhóm hàng hóa, sản phẩm nhất định hay từng phương thức bán hàng khác nhau.
Trước thực trạng nêu trên, để bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã kiến nghị, đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, kiến nghị đưa ra theo từng nhóm chủ thể riêng biệt.
Với doanh nghiệp, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; xây dựng, áp dụng hoặc thực hiện các bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh công khai, minh bạch, trung thực, vì người tiêu dùng và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người tiêu dùng của các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến; tham gia các chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng, tạo sự lan tỏa của chương trình này trong cộng đồng doanh nghiệp bán hàng trực tuyến.
Với cơ quan quản lý nhà nước, nhóm nghiên cứu kiến nghị nâng cao quyết tâm chính trị trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cấp ủy và chính quyền; nâng cao năng lực thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cơ quan nhà nước có liên quan; nâng cao hoạt động của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hiệp hội ngành hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật về bán hàng trực tuyến và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kiểm soát hành vi bán hàng trực tuyến để bảo đảm tính thống nhất, khả thi...
Với người tiêu dùng, cần tăng cường hiểu biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiến thức về tiêu dùng an toàn, thông minh, bền vững; xây dựng cơ chế tự vệ cho người tiêu dùng; bảo đảm khả năng tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua các thiết chế tài phán; khuyến khích, thúc đẩy thực hiện các phong trào, phương châm, khẩu hiệu trong tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến khích người tiêu dùng giám sát doanh nghiệp, kịp thời phản hồi, có ý kiến góp ý tới các cơ quan chức năng đối với hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của các doanh nghiệp.
“Để thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật bảo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong giao dịch thương mại điện tử, giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã và tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đa dạng, sáng tạo nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp như thực hiện các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, người lao động của khối doanh nghiệp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết.
Về vấn đề này, trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong kinh tế thị trường, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng, nhất là trong môi tường thương mại điện tử.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này,
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà Chính phủ đã ban hành.
Tăng cường tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan (gồm Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước) để xử lý chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế; nâng cao hiệu quả Cổng thông tin điện tử tiếp nhận và xử lý thông tin về vi phạm gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác truyền thông để người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình.
Yến Nhung