Đây là nội dung nổi bật tại Hội thảo về Hợp đồng và xử lý tranh chấp trong xây dựng 2024 (CCCDR 2024) do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN) tổ chức ngày 10/10/2024.

DAT_9243 (1)
Hội thảo về Hợp đồng và xử lý tranh chấp trong xây dựng 2024 (CCCDR 2024) do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN) tổ chức ngày 10/10/2024

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS-TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch VIAC cho biết, ngành xây dựng Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, kể cả trong đầu tư công, hợp tác công tư hay đầu tư tư nhân đang có sự gia tăng, tuy nhiên bên cạnh những cơ hội thì cũng luôn tiểm ẩn các rủi ro, xung đột, các tranh chấp, từ tranh các hoạt động này.

Tại VIAC, khoảng 20% các vụ việc mới mỗi năm là các vụ việc phát sinh trong hoạt động xây dựng (bao gồm các tranh chấp liên quan đến cơ sở hạ tầng và đầu tư) và chiếm hơn 90% tổng giá trị tranh chấp hàng năm.

Giải quyết tranh chấp trọng tài xây dựng, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn, luôn đòi hỏi chuyên môn sâu và kinh nghiệm của các đối tượng liên quan. Yêu cầu này không chỉ đặt ra đối với các trọng tài viên, luật sư của các bên mà còn cả đội ngũ nhân sự của tổ chức trọng tài trong việc tổ chức và điều phối quá trình giải quyết tranh chấp.

DAT_9144 (1)
GS-TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch VIAC phát biểu khai mạc Hội thảo

Do đó, Hội thảo ngày hôm nay nhằm chia sẻ và trao đổi kiến thức chuyên và kinh nghiệm thực tiễn quý báu về việc phòng ngừa rủi ro trong biên soạn, thương thảo và quản lý hợp đồng xây dựng.

Chia sẻ tại Hội thảo về bất cập giữa pháp luật xây dựng Việt Nam và mẫu hợp đồng FIDIC (hình thức tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến nhất của hợp đồng xây dựng quốc tế trên thế giới hiện nay), ông Vũ Văn Vịnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, mẫu hợp đồng FIDIC được xây dựng trên cơ sở thông luật (common law), trong khi hệ thống pháp luật Việt Nam là dân luật (civil law). Khi áp dụng theo FIDIC, các quy định chủ yếu là nghĩa vụ giữa các chủ thể ký kết hợp đồng (nhà thầu, chủ đầu tư, tư vấn) nên quy trình giải quyết nhanh gọn.

Tuy nhiên, theo quy trình thủ tục Việt Nam, vai trò về mặt thẩm quyền của các chủ thể chính của hợp đồng bị phụ thuộc nhiều vào quá trình thẩm định, phê duyệt, chủ trương của các cấp thẩm quyền, cơ quan chuyên môn (từ giai đoạn chuẩn bị, khảo sát, bàn giao mặt bằng, di dời tiện ích, xử lý giao diện, thiết kế, trình duyệt, lập dự toán, thi công, phát sinh khối lượng, hoàn công...) từ đó gây chậm trễ tiến độ dự án, các Nhà thầu thường căn cứ vào việc chậm trễ này để đề nghị tăng thêm chi phí hoặc yêu cầu gia hạn thêm thời gian thực hiện hợp đồng.

“Cơ chế giải quyết và các điều khoản trong hợp đồng FIDIC liên quan đến xử lý các khiếu nại, tranh chấp được quy định rất chặt chẽ, trong khi đó việc áp dụng và xử lý các khiếu nại theo quy định Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, quá trình thực hiện hợp đồng FIDIC trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam thường xảy ra nhiều khiếu nại và tranh chấp”, chuyên gia này chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Vịnh, bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo FIDIC và khoản tiền giữ lại (cho bảo hành) là hai nội dung độc lập và không thay thế cho nhau, trong đó, bảo lãnh thực hiện hợp đồng kéo dài từ khi hợp đồng có hiệu lực đến khi nhà thầu hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ (kể cả nghĩa vụ bảo hành). Trong khi đó, pháp luật xây dựng Việt Nam quy định bảo lãnh kéo dài tới thời điểm bàn giao và chuyển tiếp sang nghĩa vụ bảo hành (bảo lãnh bảo hành). Đặc biệt, FIDIC cho phép thanh toán trước 50% giá trị bảo hành vào thời điểm bàn giao, nội dung này khác với pháp luật xây dựng Việt Nam (không cho phép).

z5915267493345_6bf3b5ae4dfc76bcbf4939e12186e7d3 (1)
Toàn cảnh Hội thảo về Hợp đồng và xử lý tranh chấp trong xây dựng 2024 (CCCDR 2024)

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Phước, Trưởng phòng Quản lý thực hiện dự án 3, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nhận định, còn tồn tại sự khác biệt giữa quy định pháp luật Việt Nam về hợp đồng xây dựng và một số điều khoản mẫu đồng FIDIC.

Chia về các rủi ro liên quan đến mẫu hợp đồng FIDIC tại Hội thảo, theo ông Phước, các rủi ro đối với chủ đầu tư trong hợp đồng FIDIC đa dạng và đến từ nhiều nguyên nhân. Ở Việt Nam, 3 rủi ro phổ biến mà chủ đầu tư thường gặp bao gồm chậm bàn giao mặt bằng và quyền tiếp cận công trường, thay đổi và phát sinh, nhà thầu thực hiện quyền tạm dừng công việc.

Để phòng ngừa, giảm thiểu các rủi ro nêu trên, chuyên gia này đưa ra một số khuyến nghị. Theo đó, cần rà soát và cập nhật các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng xây dựng, ghi nhận và thể chế hóa các thông lệ quốc tế; xây dựng hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng mẫu hợp đồng FIDIC trong bối cảnh Việt Nam. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc vận dụng FIDIC vào các dự án tại Việt Nam, cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các bên tham gia dự án.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực quản lý hợp đồng của chủ đầu tư đào tạo và hỗ trợ về pháp lý để chủ đầu tư xử lý các tình huống phức tạp phát sinh từ quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt kỹ năng, nhận diện, đánh giá, quản lý khiếu nại và ngăn ngừa, giải quyết tranh chấp.

Yến Nhung