Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật này vẫn tồn tại một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi sửa đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam hiện nay. Cụ thể, Luật vẫn tồn tại một số vướng mắc, bất cập, như chưa có cơ chế khuyến khích việc áp dụng sớm thủ tục phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã; quy định về thẩm quyền của Tòa án còn phân tán, chưa hợp lý; chưa quy định thủ tục giản lược để giải quyết những vụ việc đơn giản; chưa có các quy định để kết hợp, sử dụng phương thức tố tụng điện tử, quy định về Quản tài viên còn có điểm bất cập...

pha-san_0509154055.jpg
Luật Phá sản năm 2014 còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập - Ảnh: ITN

Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xây dựng dự án Luật Phá sản (sửa đổi) với 5 nhóm chính sách lớn gồm xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản; hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản để khắc phục vướng mắc, bất cập và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các ý kiến về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Phá sản, đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn cho thấy phù hợp, ổn định, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Có ý kiến đề nghị tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn về chủ trương, định hướng của Đảng làm cơ sở sửa đổi Luật.

Về phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã được đề xuất xây dựng theo hướng độc lập với thủ tục phá sản là khác so với Luật Phá sản hiện hành. Do đó, cần tiếp tục rà soát bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành, tham gia thủ tục phục hồi. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát nội dung điều chỉnh của Luật Phá sản để đồng bộ, thống nhất với các luật khác có quy định về quy trình, thủ tục phá sản, như Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng...

hai-phong-ngay-dau-n.jpg
Việc sửa đổi Luật Phá sản là cần thiết nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thủ tục - Ảnh: ITN

Cho ý kiến về bộ Hồ sơ đề nghị và nội dung các chính sách được đề xuất, đại diện Bộ Tài chính nhận định, Tòa án nhân dân tối cao chưa đánh giá cụ thể về nguồn lực tài chính để đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách khi được thông qua. Do đó, đề nghị bổ sung đánh giá tác động về nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp khi Dự thảo Luật được thông qua theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đáng nói, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất bổ sung quy định cơ quan có chức năng về tài chính, có kinh nghiệm về tư vấn và xác định giá trị tài sản của Bộ Tài chính tham gia vào việc định giá tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã có nhiều công ty thẩm định giá, công ty định giá tài sản, công ty luật, công ty kiểm toán... Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực được giao.

“Do đó, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao bỏ nội dung đề xuất trên đối với Bộ Tài chính. Trong trường hợp cần tư vấn và xác định giá trị tài sản, Toà án nhân dân tối cao có thể nghiên cứu xây dựng cơ chế thuê các công ty thực hiện. Đồng thời, đề nghị Toà án nhân dân tối cao giải trình thêm về một số nội dung về nguy cơ mất khả năng thanh toán; trường hợp ngân sách nhà nước tạm ứng chi phí phá sản; định nghĩa vụ việc phá sản có quy mô nhỏ…”, đại diện Bộ Tài chính góp ý.

Ngoài ra, về chính sách xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là chính sách thay đổi lớn so với quy định hiện hành, phù hợp và có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được phục hồi, giảm nguy cơ phá sản. Từ đó, tăng số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã được phục hồi góp phần vào phát triển kinh tế đất nước. Việc phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã cũng sẽ giúp ổn định việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, các cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, người lao động, chủ nợ có cơ hội thu được tiền thuế, bảo hiểm xã hội, tiền nợ khi doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi, bảo đảm ổn định trật tự, giảm các hệ lụy khác cho xã hội. Thực hiện hiệu quả chính sách này sẽ góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đối với Tòa án, việc hoàn thiện thủ tục phục hồi sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong thụ lý, giải quyết vụ án, vì chỉ phải áp dụng theo một thủ tục nhất định, qua đó rút ngắn được thời gian giải quyết vụ án.

“Tuy nhiên, đây là một chính sách mới, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các nội dung để làm rõ hơn về thủ tục phục hồi doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính khả thi của chính sách này”, VCCI nhấn mạnh.

Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 5/2025, thông qua tại Kỳ họp tháng 10/2025.Y

Yến Nhung