Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).

Nghị định được rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với các quy định hiện hành như Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-7-2024.

Trong đó, quy định phạt tiền từ 400 triệu đến 500 triệu đồng nếu các ngân hàng vi phạm quy định về gắn việc sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Quy định này, theo Ngân hàng Nhà nước, nhằm bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng năm 2024. Chế tài xử phạt mới của ngành ngân hàng được đưa ra sau khi nhiều người vay phản ánh bị ép "mua bia kèm lạc", làm tăng chi phí vay vốn.

Vì sao phải phạt ngân hàng nếu ép khách vay tiền mua bảo hiểm?- Ảnh 1.

Dự thảo nghị định mới phạt tiền từ 400 triệu đến 500 triệu đồng nếu các ngân hàng vi phạm quy định về gắn việc sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức...

Gần nhất, cử tri tỉnh Khánh Hòa phản ánh tới Ngân hàng Nhà nước về việc khi người dân đi vay vốn ở các ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại vẫn bị "ép" phải mua các loại bảo hiểm như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… mới được giải ngân khoản vay.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, một số khách hàng cho biết khi vay vốn ngân hàng "không mua bảo hiểm không được". Chia sẻ bên lề hội nghị đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp ở TP HCM mới đây, đại diện một hội ngành nghề trên địa bàn kể rằng một số doanh nghiệp thành viên trong hội nói rằng vẫn bị mời mua bảo hiểm nhân thọ cho khoản vay.

"Nếu không mua thì thường bị làm khó, không được duyệt hồ sơ vay hoặc rất chậm. Nên trong trường hợp doanh nghiệp muốn giải ngân vốn nhanh sẽ phải chấp nhận mua bảo hiểm. Vậy là "ép" hay không "ép", rất khó" - người này băn khoăn. 

Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần khẳng định pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể, Khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nghiêm cấm hành vi "đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm"; khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nghiêm cấm "tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức"…

Thái Phương