Theo Điều 33 Thông tư 12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, người dân có thể tích hợp các hạng của giấy phép lái xe (GPLX) vào làm một. Trên thực tế có rất nhiều người lựa chọn việc tích hợp GPLX, thường là tích hợp hạng A1 (GPLX mô tô) tích hợp với B2 hoặc C, D, E (GPLX ô tô).

Bên cạnh các tiện ích gọn nhẹ, dễ dàng quản lý, bảo quản, tránh mất mát và thuận tiện trong quá trình sử dụng, việc tích hợp các hạng của GPLX vào làm 1 khi ứng dụng vào thực tế đã gặp phải một số bất cập khiến nhiều người phải “khóc dở mếu dở” nhưng vẫn không tìm được cách giải quyết, nhất là trường hợp vi phạm quy định an toàn giao thông và bị tước GPLX.

khoc-do-meu-do-vi-giay-phep-lai-xe-tich-hop-2.jpg
Lực lượng CSGT Công an Thành phố Hà Nội xử lý vi phạm giao thông. Ảnh: CACC

“Khổ” vì GPLX tích hợp

Cụ thể, khi lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà vi phạm bị xử phạt hành chính kèm hình thức phạt bổ sung là tước GPLX có thời hạn. Với trường hợp lái xe sử dụng GPLX tích hợp, khi bị tước GPLX 1 hạng, đồng nghĩa với việc bị tạm giữ luôn hạng còn lại. Với hạng không bị tước khi tới thời điểm cần phải cấp đổi, lái xe không thể thực hiện vì GPLX tích hợp đang bị tạm giữ.

Theo chia sẻ của một số lái xe, do không thể làm thủ tục đổi GPLX ô tô nên nếu chờ hết thời hạn tước GPLX hạng A1, thì phải sát hạch lại lý thuyết hạng B2, do pháp luật quy định người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX. Trường hợp quá hạn từ 1 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại GPLX.

Những ngày qua, anh Hà Thành Hiếu (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) dù nhiều lần “chạy ngược, chạy xuôi” đến sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội để làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe ô tô sắp hết hạn nhưng không được, bởi giấy phép lái xe máy bị Cảnh sát giao thông tạm giữ, trong khi đó, anh Hiếu đang sử dụng giấy phép lái xe ô tô, xe máy tích hợp “2 trong 1”.

“Tôi đến sở GTVT Hà Nội để làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe ô tô hạng B2 nhưng họ không nhận hồ sơ vì giấy phép lái xe hạng A1 đang bị tạm giữ. Họ hướng dẫn tôi quay về đội 9, Phòng cảnh sát giao thông CA TP Hà Nội nơi đang giữ GPLX của tôi để mượn lại mới có thể làm thủ tục cấp đổi. Tôi làm theo hướng dẫn, nhưng phía Công an không đồng ý. Họi lại hướng dẫn tôi đem Quyết định xử phạt hành chính và bản sao GPLX về sở GTVT Hà Nội làm thủ tục. Tôi tiếp tục làm theo hướng dẫn của phía công an, nhưng Sở GTVT Hà Nội lại không chấp nhận vì họ cho rằng không đúng quy định. Giờ tôi không biết phải làm sao”, anh Hiếu chán nản chia sẻ.

Đáng nói, có trường hợp lái xe bị mất việc làm do không thể đổi giấy phép lái xe ô tô. Điển hình như trường hợp của ông N. ở TP. Phan Thiết chia sẻ trên báo Bình Thuận là một ví dụ. Tháng 5/2024, sau khi nhậu với bạn bè, ông điều khiển xe máy về nhà thì bị Cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính vì nồng độ cồn trong hơi thở vượt qua mức 0,4/1 lít khí thở. Ông N. không chỉ bị phạt hành chính 7 triệu đồng mà còn bị phạt bổ sung, tước quyền sử dụng GPLX hạng A1 trong 23 tháng.

Mọi việc bắt đầu rắc rối khi ông N. đã tích hợp giấy phép lái xe hạng A1 và C vào chung một giấy. Tháng 7/2024, giấy phép lái xe ô tô hạng C của ông N. hết hạn sử dụng phải cấp đổi mới. Tuy nhiên, do bản cứng giấy phép lái xe tích hợp đã bị lực lượng công an thu giữ nên ông N. không thể tiến hành cấp đổi giấy phép lái xe hạng C của mình. Ông N. đã bị cơ quan không chấp nhận tiếp tục cho ông lái xe ô tô vì GPLX hạng C đã hết hạn và không được ngành chức năng cấp đổi lại.

Chỉ tước GPLX đến khi hết hạn

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, ông Lê Ngọc Diễn, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Thành phố Hà Nội) cho biết, thực tế đơn vị có tiếp nhận một số trường hợp như trên, người dân rất bức xúc nhưng đơn vị không thể làm trái quy định.

Theo giải thích của ông Diễn, tại khoản 5 Điều 51 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: “Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.

Tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, quy định: “Trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng của giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó”.

“Đối với một số trường hợp bị tạm giữ GPLX tích hợp gặp khó khăn, vướng mắc khi đi làm thủ tục đổi GPLX như nội dung thông tin phóng viên trao đổi, Sở GTVT Hà Nội được biết cơ quan công an tại một số địa phương, như: Công an huyện Mèo Vạc – Công an tỉnh Hà Giang đang áp dụng tước quyền sử dụng GPLX theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính để không gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, ông Lê Ngọc Diễn chia sẻ.

Cũng trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp về những vướng mắc, bất cập của giấy phép lái xe tích hợp “2 trong 1”, đại diện phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hiện không có quy định nào bắt buộc người dân phải tích hợp các loại giấy phép lái xe trong 1 bản. Việc tích hợp là nhu cầu cá nhân.

Đại diện phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho biết luôn hướng dẫn người dân chấp hành các quy định của pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức để người dân hiểu rõ các quy định về Luật Giao thông đường bộ và chế tài xử lý khi vi phạm.

“Người dân cần chấp hành tốt quy định của pháp luật giao thông, không để xảy ra vi phạm để bị xử lý tước, giữ GPLX; Cần chủ động đổi GPLX khi hết hạn. Đặc biệt, người dân cần cân nhắc kỹ trong việc tích hợp GPLX”, đại diện phòng CSGT Công an TP Hà Nội khuyến cáo.

Cũng theo đại diện phòng CSGT Công an TP Hà Nội, hiện nay đã có giải pháp tháo gỡ bất cập nêu trên. Đó là tích hợp GPLX trên VNeID. “Do vậy, người dân cần tích hợp đầy đủ các GPLX để khi không may bị tạm giữ, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ GPLX trên môi trường điện tử theo thông tư 28/2024 của Bộ Công an”, vị đại diện phòng CSGT Công an TP Hà Nội nói.

khoc-do-meu-do-vi-giay-phep-lai-xe-tich-hop-1.jpg
Người dân cần tích hợp đầy đủ các GPLX trên VNeID để khi không may bị tạm giữ, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ GPLX trên môi trường điện tử theo thông tư 28/2024 của Bộ Công an Ảnh: CACC

Sẽ tạm giữ GPLX trên môi trường điện tử

Cũng liên quan đến vấn đề này, chiều 21/8 vừa qua, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nhóm lĩnh vực thứ hai gồm 6 lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về những bất cập khi người dân sử dụng GPLX tích hợp “2 trong 1”.

Cụ thể, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho biết việc tích hợp các loại giấy phép lái xe (GPLX) vào một thẻ là chủ trương đúng đắn và nhận được hưởng ứng của người dân. Tuy nhiên, theo ông khi người dân tích hợp 2 loại GPLX vào một thẻ đã có trường hợp người dân vi phạm giao thông khi điều khiển xe mô tô và bị lực lượng CSGT xử lý vi phạm, giữ cả 2 loại GPLX.

Trong thời gian này, GPLX ô tô hết hạn, người dân muốn làm thủ tục cấp đổi lại nhưng do đã tích hợp và đang bị lực lượng công an giữ cả 2 GPLX nên không đề nghị Sở GTVT cấp đổi GPLX ô tô, gây nhiều khó khăn cho người dân. Đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ trưởng Công an có giải pháp xử lý bất cập khi tích hợp GPLX, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết thực hiện Luật Căn cước và Luật Giao dịch điện tử, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 28 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, tạm giữ, tước giấy tờ và đăng ký xe trên ứng dụng định danh Quốc gia VNeID.

Theo ông Quang, từ ngày 1/7/2024, người dân sẽ được xuất trình thông tin các giấy tờ liên quan đến người lái và xe cho lực lượng CSGT kiểm tra xử lý thông qua ứng dụng VNeID.

Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, trong quá trình xử lý người vi phạm xuất trình được giấy tờ qua VNeID, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử. Trường hợp các giấy tờ liên quan đến người tham gia giao thông đã được tích hợp và cập nhật trên VNeID, các loại biên bản, quyết định của người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, trả lại giấy tờ cũng được thực hiện theo biểu mẫu quy định của pháp luật và có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử trên ứng dụng VNeID và ứng dụng hệ thống thông tin điện tử khác khi có đủ điều kiện, kỹ thuật thực hiện.

"Như vậy, về vấn đề băn khoăn của cử tri, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 28 để giải quyết vấn đề này", Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Nguyễn Giang