UBND tỉnh Lâm Đồng chiều 7-11, tại TP.HCM, tổ chức họp báo giới thiệu “Festival hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024”, mục đích nhằm quảng bá và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
53 chương trình đặc sắc Festival hoa Đà Lạt năm 2024
Festival hoa Đà Lạt lần thứ X có chủ đề “Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu” với 53 chương trình. Trong đó có 10 chương trình chính như: lễ bế mạc và khai mạc, hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và văn hóa địa phương, Phố Rượu vang - Trà - Cà phê và đặc sản Đà Lạt - Lâm Đồng, Carnaval đường phố Hoa và Di sản (diễu hành xe hoa, thời trang hoa, nghệ thuật đường phố)...
Đáng chú ý, năm nay tỉnh Lâm Đồng không sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức Festival Hoa Đà Lạt. Vì vậy, các chương trình của Festival sẽ do các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, cá nhân đăng ký thực hiện. Sản phẩm của lễ hội bao gồm cả phi vật chất và vật chất có giá trị lâu dài.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết Festival hoa Đà Lạt lần thứ X tiếp tục khẳng định thành phố Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam. Đây không chỉ là ngày hội của nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng mà còn là nơi gặp gỡ của du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm những giá trị văn hóa du lịch độc đáo, riêng có của Đà Lạt.
Sự kiện tiếp tục khẳng định, tôn vinh những giá trị về hoa và nghề trồng hoa Đà Lạt, tạo cơ hội cho những người trồng, sản xuất kinh doanh hoa, rau, nông sản đặc thù Lâm Đồng trao đổi, phát triển ngành nghề trong xu thế hội nhập quốc tế, xanh và bền vững.
Chia sẻ thêm về tiềm năng du lịch tỉnh Lâm Đồng, ông S cho biết, Đà Lạt sở hữu cảnh quan xanh lý tưởng cho việc phát triển du lịch, đặc biệt là tiên phong phát triển du lịch canh nông từ năm 2015. Đến nay, tỉnh có 37 điểm du lịch canh nông, trong đó có ba điểm đạt chuẩn quốc tế.
“Với hai tiêu chí đón được 500.000 du khách/năm và doanh thu khoảng 500.000 USD/năm, ba điểm du lịch canh nông của Lâm Đồng không chỉ đạt mà còn vượt tiêu chí đề ra với 1,2 - 1,5 triệu lượt khách/năm, doanh thu từ 70 - 80 tỷ đồng”, ông S nói.
Về hoa, ngành hoa Đà Lạt có tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, những năm qua xuất khẩu hoa đạt khoảng 65 triệu USD. Tuy nhiên, thời gian qua ngành hoa phát triển chưa cân đối giữa hoa chậu và hoa cắt cành. Hiện nay, tỉnh đã định hướng, tiến hành phát triển song song hoa chậu và hoa cắt cành. Tính đến nay, diện tích sản xuất hoa các loại trên 10.000 ha với tổng sản lượng 4 tỷ cành hoa, trên 500.000 chậu hoa.
"Đáng chú ý là lan hồ điệp. Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia sử dụng nhiều nhất; quốc gia, vùng lãnh thổ sản xuất lan hồ điệp nhiều nhất là Đài Loan (Trung Quốc) với trên 700 công ty. Năng suất lan hồ điệp cao nhất, bền nhất chính là vùng Đức Trọng, Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, trong kỳ Festival này, chúng tôi tổ chức một cuộc thi để lựa chọn cá nhân, nghệ nhân có tác phẩm hoa đẹp nhất, qua đó quảng bá hình ảnh nghệ nhân tỉnh Lâm Đồng", ông S nói.
Hoa Dã Quỳ được chọn biểu tượng xuyên suốt Festival hoa Đà Lạt
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết điểm mới của Festival Hoa Đà Lạt năm 2024 là được tổ chức gần một tháng (5-12 đến 31-12) với nhiều hoạt động phong phú nhưng không phô trương, hình thức, tránh lãng phí.
“Trong lễ khai mạc cũng như xuyên suốt Festival, chúng tôi dự kiến chọn hoa Dã Quỳ, loài hoa đặc trưng của Đà Lạt - Lâm Đồng, làm biểu tượng để thể hiện tư tưởng chủ đạo trên”, ông Kiên nói.
Các doanh nghiệp dịch vụ lưu trú, du lịch cam kết không tăng giá. Ông Kiên cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.178 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 40.644 phòng. Hiện nay, các đơn vị đang chỉnh trang, hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách trong lễ hội này.
“Song song với chỉ đạo của tỉnh, thành phố Đà Lạt, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động toàn bộ khu, điểm du lịch, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, ẩm thực... đảm bảo giá cả ổn định, tung ra các sản phẩm mới, tour tuyến mới, tăng chất lượng nhưng không tăng giá để thu hút khách đến Lâm Đồng trong dịp này”, ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, vào cao điểm có thể xảy ra tình trạng tăng giá cục bộ. Tuy nhiên, nhìn chung, điều này sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu của Festival hoa Đà Lạt. Dự kiến, Festival sẽ đón khoảng 2 triệu khách du lịch, trong đó có 60.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu ước đạt 3.600 tỷ đồng, bình quân mỗi du khách chi tiêu 1,8 triệu đồng.
Nhằm tránh những sự việc không đáng có xảy ra như những năm trước, chẳng hạn như du khách đến Đà Lạt không có chỗ ở hoặc bị ép giá, hiện nay Ban tổ chức đang đẩy mạnh quảng bá chương trình trên hệ thống VNeID. Du khách có thể tìm hiểu thông tin các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch... trên ứng dụng này.
Mặt khác, Festival hoa lần này được tổ chức gần một tháng, với hơn 50 chương trình, hầu như ngày nào cũng có các hoạt động đặc sắc diễn ra. Vì vậy, du khách có thể tham khảo thông tin trên các kênh truyền thông để lựa chọn chương trình yêu thích trước khi đến Lâm Đồng.
Đặc biệt, để đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan, an ninh, trật tự..., UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thành lập sáu ban, trong đó có Ban An ninh nhằm đảm bảo an toàn cho du khách đến với lễ hội, góp phần vào sự thành công của Festival hoa.
Thời gian qua, Đà Lạt được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận với các danh hiệu như “Thành phố thông minh Việt Nam”, “Festival Hoa đẹp nhất châu Á”... Mới đây nhất, Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Đà Lạt là một trong 11 trung tâm phát triển du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, được ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với định hướng phát triển kinh tế ban đêm.
Dịp này, tỉnh Lâm Đồng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Đồng thời, tỉnh thể hiện quyết tâm tạo điều kiện tối đa, cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư tại địa phương. Qua đó, nhà đầu tư có thể yên tâm chọn Lâm Đồng là điểm đến, gắn bó, hợp tác cùng phát triển.
Theo TÚ UYÊN - Pháp luật