Sau nhiều lần trao đổi thư từ tháng 4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý nối lại đường dây nóng giữa hai miền, Park Soo-hyun, thư ký báo chí Nhà Xanh, ngày 27/7 cho biết.

"Họ cũng đồng ý khôi phục lòng tin càng sớm càng tốt và tiếp tục thúc đẩy các tiến trình phát triển quan hệ", Park cho biết thêm.

Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cùng ngày đưa tin toàn bộ kênh liên lạc giữa hai miền hoạt động trở lại vào 10h sáng 27/7 (8h giờ Hà Nôi) theo thỏa thuận giữa hai lãnh đạo. KCNA khẳng định việc khôi phục đường dây nóng là "bước tiến lớn trong khôi phục lòng tin lẫn nhau và thúc đẩy hòa giải".

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) đi dạo sau bữa trưa  tháng 9/2018. Ảnh: KCNA.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) đi dạo sau bữa trưa tháng 9/2018. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên cắt đường dây nóng với Hàn Quốc vào tháng 6/2020, khi quan hệ giữa hai miền trở nên căng thẳng. Triều Tiên sau đó phá hủy văn phòng liên lạc chung, vốn được thành lập năm 2018 nhằm thúc đẩy mối quan hệ với Hàn Quốc, động thái khiến quan hệ giữa hai miền xuống mức thấp.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo một đường dây nóng quân sự đã được thử nghiệm ngày 27/7 và hoạt động liên lạc thường xuyên với tần suất hai lần mỗi ngày sẽ được nối lại.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan giải quyết các vấn đề giữa hai miền, cho biết các đường dây điện thoại tại làng đình chiến Panmunjom đã được khôi phục, bày tỏ hy vọng tái khởi động hợp tác với Triều Tiên.

Tổng thống Moon Jae-in từng kêu gọi khôi phục đường dây nóng và các cuộc đàm phán giữa hai miền, đồng thời kỳ vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tái khởi động nỗ lực đàm phán nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Chưa rõ động thái nối lại đường dây nóng với Hàn Quốc có phải dấu hiệu quan trọng cho thấy Triều Tiên sẵn sàng đáp lại các động thái của Tổng thống Moon và chính quyền Biden hay không.

Giới chức Mỹ kêu gọi một con đường "đáng tin cậy, có thể dự đoán và mang tính xây dựng" để bắt đầu các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc với Hàn Quốc tại Kaesong tháng 6/2020. Video: AP, BQP Hàn Quốc.
Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc với Hàn Quốc tại Kaesong tháng 6/2020. Video: AP, BQP Hàn Quốc.

"Mỹ tiếp tục liên hệ với Triều Tiên từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Tôi nghĩ động thái này cho thấy Triều Tiên sẵn sàng đáp lại", James Kim, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan đặt trụ sở tại Seoul, cho biết, nhưng cũng bày tỏ thận trọng về ý định thực sự của Bình Nhưỡng.

"Chúng ta cần chứng kiến sự nghiêm túc của Triều Tiên trong việc tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa để khẳng định rằng có tiến bộ thật sự", ông nói.

Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho biết việc trao đổi thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19 và thảm họa tự nhiên có thể là một cách xây dựng lại mối quan hệ giữa hai miền. Triều Tiên chưa ghi nhận bất cứ ca nhiễm nCoV nào, song áp các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và đóng biên do coi đại dịch là mối đe dọa mang tính sống còn.

Hoạt động khôi phục đường dây nóng diễn ra trong bối cảnh hai miền kỷ niệm 68 năm ký hiệp đình đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Lãnh đạo Kim Jong-un rạng sáng 27/7 tới đặt hoa tưởng niệm các quân nhân Triều Tiên thiệt mạng trong cuộc chiến và gửi quà cho các cựu chiến binh còn sống.

 

Nguyễn Tiến (Nguồn Reuters, KCNA)
Theo vnexpress.net