Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) là một doanh nghiệp quốc doanh được thành lập vào năm 2008, có trụ sở tại Thượng Hải, nhằm mục tiêu phát triển ngành hàng không thương mại của Trung Quốc.
Công ty nổi tiếng với dòng máy bay C919, mẫu tàu bay thân hẹp đầu tiên được thiết kế và sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc, hứa hẹn sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của các hãng máy bay nổi tiếng khác. Ngoài C919, COMAC còn phát triển mẫu tàu bay ARJ21, một dòng tàu bay khu vực.
Sở hữu và vận hành nhiều cơ sở sản xuất hiện đại, tính đến năm 2023, COMAC hiện có hàng chục nghìn nhân viên, bao gồm các kỹ sư, chuyên gia và công nhân lành nghề, làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, phát triển và sản xuất trên khắp Trung Quốc.
Ông Ngụy Ứng Bưu - Phó Tổng Giám đốc thường trực COMAC khẳng định rất coi trọng thị trường Việt Nam khi kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là ngành hàng không Việt Nam là một động lực của ngành hàng không khu vực; mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam để cụ thể hóa, triển khai nhận thức chung, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
COMAC đã và đang kết hợp với Hãng hàng không Vietjet - hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Việt Nam, trao đổi sâu về kỹ thuật nhằm tiến tới đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam.
Máy bay C919 có gì hay?
Tại Việt Nam, không chỉ có Vietjet quan tâm đến chiếc máy bay "made in China" này, một hãng hàng không của Việt Nam cũng "để mắt" đến C19 là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Tại ĐHĐCĐ thường niên Vietnam Airlines diễn ra ngày 21/6 vừa qua, Vietnam Airlines cho biết đang xem xét tới dòng máy bay thân hẹp bao gồm Boeing, Airbus, Embraer, C919...
CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, Vietnam Airlines vẫn đang theo dõi sát sao quá trình phát triển và cấp phép của các cơ quan quản lý với tàu bay C919.
Vậy, chiếc C919 do Trung Quốc phát triển có gì đặc biệt?
Được biết, C919 là mẫu máy bay tương đương với loại một lối đi bán chạy nhất và sinh lời tốt nhất của Boeing và Airbus, thuộc cùng loại với máy bay Boeing 737 MAX và Airbus A320neo.
Theo nhà sản xuất, C919 đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế, có quyền sở hữu trí tuệ độc lập. Máy bay thiết kế chở từ 158 - 192 hành khách, tầm hoạt động từ 4.075 đến 5.555 km. Khoảng cách từ sàn đến điểm cao nhất của trần tàu bay khoảng 2,25m. Độ rộng của các ghế rơi vào khoảng 18 inch.
C919 có hai hàng thương gia với 8 ghế bọc da, màu nâu nhạt, có thể tùy chỉnh độ ngả theo nhu cầu khách hàng. Hệ thống ánh sáng trong khoang khách có thể tùy chỉnh đến 10 chế độ màu sắc.
Ở khoang lái, có 5 màn hình LCD 15,4 inch hiển thị trước mặt các phi công. Bếp C919 chứa được 7 xe đẩy đồ ăn cùng hệ thống, quầy bar, tủ hâm nóng đồ ăn trên tàu bay. Ưu điểm là tiếng ồn khoang máy bay rất thấp và giảm đến 50% lượng khí thải carbon.
Theo thông tin đăng tải trên website của Comac, máy bay C919 đã nhận được Giấy chứng nhận loại từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) tháng 9/2022. Máy bay C919 đầu tiên trên thế giới được giao vào tháng 12/2022. C919 đi vào hoạt động thương mại vào tháng 5/2023.
Tuy nhiên, trên thực tế, COMAC mới chỉ nội địa hóa được hơn 50% dây chuyền sản xuất C919 và phải nhập khẩu toàn bộ các linh kiện chủ chốt như động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống hạ cánh... từ các công ty nước ngoài, trong đó có Mỹ.
Theo South China Morning Post, Bắc Kinh giao chỉ tiêu cho C919 chiếm 10% thị trường máy bay dân dụng trong nước vào năm 2025. Và để có thể gia tăng thị phần của mình trên thị trường, một chiến lược then chốt là C19 nhắm đến đó là sự cạnh tranh về giá.
Mỗi chiếc C919 đang được bán với giá 99 triệu USD, thấp hơn từ 6 - 11% so với đối thủ. Tuy nhiên, số tiền thực tế hãng bay trong nước phải trả cho COMAC có thể còn giảm sâu nhờ các chương trình trợ giá của Chính phủ. Điều này khiến C919 phù hợp với các hãng bay nhỏ, chuyên khai thác những chặng bay ngắn.
C919 khá đắt khách tại thị trường nội địa. Hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China đã đặt hàng 100 chiếc C919 với tổng giá trị 10,8 tỷ USD trong đầu năm nay. Tập đoàn hàng không tư nhân lớn nhất Trung Quốc HNA Group cũng ký thỏa thuận khung với Comac, trong đó hai công ty con là Urumqi Air và Suparna Airlines sẽ lần lượt mua 30 chiếc C919.
Trước đó, khách hàng đầu tiên của máy bay C919 là hãng hàng không China Eastern Airlines đặt mua 5 chiếc từ cuối năm 2022, rồi tiếp tục thêm 100 chiếc vào tháng 9/2023.
Thời gian qua, Trung Quốc đã mở rộng khau thác các chuyến bay bằng máy bay C919. Tháng 8 vừa qua, Hãng hàng không Air China và hãng China Southern Airlines đã nhận những chiếc máy bay C919 đầu tiên với 2 phiên bản 158 và 164 ghế. C919 được khai thác bay thương mại tuyến Quảng Châu - Thượng Hải.
Sau 15 tháng khai thác thương mại, China Eastern Airlines với 7 chiếc C919 đã khai thác các tuyến Thượng Hải - Thành Đô, Bắc Kinh - Thượng Hải và Bắc Kinh - Tây An hơn 3.600 chuyến bay, với 10.000 giờ bay an toàn.
Cùng với việc gia tăng thị phần nội địa, hãng máy bay này cũng mở rộng thị trường nước ngoài với việc mở một văn phòng ở Singapore cách đây ít này. Theo SCMP, đây là bước tiến quan trọng hướng tới việc thách thức vị thế của Boeing và Airbus trên thị trường hàng không quốc tế.
Một dự báo từ công ty tư vấn hàng không Cirium vào tháng 5 cho thấy chỉ có dưới 1.700 máy bay C919 được giao vào năm 2042, giúp C919 chiếm khoảng 25% thị phần so với 30% của Boeing và 45% của Airbus.