Tại Vũ Hán, hàng nghìn người đến công viên nước Maya Playa vào giữa tháng 8 để vui chơi trong tiệc bể bơi như chưa hề có 76 ngày phong tỏa vì Covid-19. Để hút thêm khách, công viên nước này miễn phí vé vào cửa đến cuối năm 2020. Các công viên đều phải tìm cách sống sót khi thị trường du lịch quốc tế đóng băng, một trong số đó là áp dụng các ưu đãi để tăng khách. Mở cửa miễn phí, Maya Playa tạo doanh thu từ những quầy bán ẩm thực, đồ lưu niệm và các mặt hàng khác.

 

Những ngày gần đây, khách du lịch tấp nập ra vào công viên giải trí Colorful Yunnan Paradise tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Một số khách nói rằng, nếu không có các hạn chế đi lại vì Covid-19, họ có thể chẳng bao giờ đến đây.

Rachel Zhang, 25 tuổi, người gốc Côn Minh, quen đến những resort của Disney ở Hong Kong và Thượng Hải, mùa hè này chỉ vui chơi trong thành phố. Zhang nói: "Tôi không quá kỳ vọng vào công viên này, nhưng phải nói rằng tôi rất ấn tượng".

Khách xếp hàng vào công viên Colorful Yunnan Paradise tại Côn Minh, Trung Quốc hồi tháng 7. Ảnh: WSJ

Khách xếp hàng vào công viên Colorful Yunnan Paradise tại Côn Minh, Trung Quốc hồi tháng 7. Ảnh: WSJ

Trung Quốc có hàng trăm công viên giải trí với chất lượng và phạm vi khác nhau. Ví dụ, khách du lịch đến sa mạc miền tây bắc Trung Quốc có thể ghé C-Space Project Mars, nơi được quảng cáo là tái tạo bề mặt Sao Hỏa. Ở Vân Nam, một điểm du lịch nhỏ hơn là Vương quốc của những người tí hon, nơi du khách có thể tham quan một thế giới thu nhỏ của người lùn.

Hai năm trước, giới chức Trung Quốc phải can thiệp để hạ nhiệt ngành công nghiệp đang phát triển quá nóng này, nhưng các công viên giải trí vẫn tiếp tục mọc lên như nấm khi các nhà đầu tư nhắm vào nhu cầu ngày càng tăng của giới trung lưu về trải nghiệm giải trí tại địa phương.

Hiện có khoảng 160 công viên giải trí quy mô lớn đang hoạt động ở Trung Quốc, gấp ba lần một thập kỷ trước, theo Aecom, tập đoàn tư vấn kỹ thuật phát triển công viên giải trí từ Mỹ. Những thương hiệu nổi tiếng của Mỹ từ Nickelodeon của ViacomCBS Inc. đến Universal Parks & Resorts của Comcast Corp, đều đang hợp tác cùng với các nhà thầu địa phương.

Đại dịch là bước lùi đối với những công viên giải trí hàng đầu khu vực, như Disneyland Thượng Hải - nơi đóng cửa từ tháng 1 đến tháng 5 và sau đó chỉ phục vụ 30% công suất khi mở cửa trở lại. Giới hạn công suất chính thức tăng lên 50%, đi kèm với những biện pháp giãn cách xã hội.

Nhưng điều này hoàn toàn khác với một số công viên trong vùng, nơi công suất hiếm khi vượt quá nửa trước khi có Covid-19. Biên giới đóng cửa dường như đẩy khách về cho những công viên giải trí tầm trung, khi người Trung Quốc chuyển hướng sang những điểm gần nhà hơn.

Tính đến tháng 8, thị trường du lịch nội địa ở Trung Quốc gần như trở lại mức trước Covid-19. Đối với nhiều công viên, câu hỏi đặt ra là thực trạng này còn kéo dài, ngay cả khi ngành du lịch toàn cầu tiếp diễn hay không.

Lâu nay, tăng doanh thu vốn là thách thức đối với những công viên nằm ở ngoại ô các thành phố lớn nhất Trung Quốc. Theo chuyên gia trong ngành, khoảng 1/3 trong số 160 công viên giải trí lớn của Trung Quốc thu lợi nhuận ổn định. Nhưng có tới 60 công viên nữa sẽ hoàn thành vào năm 2024 - gồm cả Universal Studios Beijing trị giá 6,5 tỷ USD dự kiến khai trương vào tháng 5/2021, do đó cuộc đua hút khách sẽ ngày càng gay gắt.

Chris Yoshii, phó chủ tịch của Aecom, cho biết: "Có rất nhiều công viên giải trí thất bại. Thị trường vẫn có nhu cầu, nhưng đối với các công viên chất lượng tốt hơn".

Colorful Yunnan Paradise là công viên chủ đề lớn đầu tiên ở Côn Minh, thành phố có 6 triệu dân. Khai trương hai năm trước, nơi đây thu hút hơn hai triệu du khách trong 14 tháng đầu tiên. Con số này khá khiêm tốn so với những công viên giải trí hàng đầu như Vương quốc Đại dương Chimelong ở thành phố Chu Hải, với 11,7 triệu lượt khách năm 2019; hay Disney Thượng Hải với 11,2 triệu lượt.

Colorful Yunnan Paradise sẽ sớm gặp khó khăn khi 8 công viên giải trí khác ra đời trong vài năm tới, bao gồm công viên Paramount Pictures đầu tiên ở Trung Quốc và Evergrande Fairyland, dự án trị giá 4,6 tỷ USD của tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande.

Văn phòng Du lịch và Văn hóa Côn Minh từ chối trả lời các câu hỏi về những dự án này. Chris Yoshii cho biết Trung Quốc có thể xây nhiều công viên giải trí hơn: Tỷ lệ người dân đến công viên giải trí hàng năm theo đầu người là khoảng 0,16, bằng khoảng 25% so với Mỹ. Tuy nhiên, ông Yoshii đánh giá những công viên không đem lại trải nghiệm đủ tuyệt vời sẽ sớm bị đánh bật khỏi cuộc chơi.

Những công viên "sao chép" cũng gặp rắc rối. Một công viên theo chủ đề biển có bản sao tàu Titanic ở Tứ Xuyên - tỉnh không giáp biển, và một nơi khác có bản sao tượng Nhân sư ở trung tâm tỉnh Hà Bắc đã bị khiếu nại.

Dù vẫn ủng hộ công viên giải trí ra đời nhằm kích thích tiêu dùng nội địa, các nhà chức trách Trung Quốc đã cấm xây thêm công viên. Tuy nhiên, tốc độ phát triển gần như không chậm lại, bởi không ít địa phương muốn các công viên giải trí đưa tên thành phố lên bản đồ du lịch.

Bảo Ngọc
Theo vnexpress.ne