Tới chân ngọn hải đăng Đại Lãnh ở Phú Yên, trước mắt Ngọc Anh là một đoạn đường bám vào sườn núi cùng những bậc thang cao dốc. Để gọn xe lăn sang một bên, anh buộc thêm đồ bảo hộ đầu gối thường không hay dùng đến, bên ngoài lớp quần jeans rồi bắt đầu hành trình. Men theo hết gần 1 km đường bê tông, Ngọc Anh đối mặt với khoảng 500 m đường rừng và những vách đá, lúc này đầu gối và bàn tay anh cảm nhận rõ những đau rát do sỏi đá găm vào da thịt.

Hành trình đi phượt bằng đầu gối

Những khó khăn ấy là điều Ngọc Anh phải trải qua khi chinh phục cực Đông trên đất liền - mũi Điện, Phú Yên 7 năm trước. Đây cũng là điểm khó khăn nhất trong hành trình chinh phục "4 cực 1 đỉnh" Tổ quốc của anh.

Quãng đường 1,5 km "dễ như bỡn" với người bình thường lại thật dài với người phải dùng tay làm trụ đỡ và đi bằng đầu gối như anh như anh. Sau chuyến đi, anh nằm liệt 2 ngày, vì đầu gối hầu như bị tổn thương toàn bộ.

Ngọc Anh tự tin nói chinh phục cột cờ Lũng Cú với anh là dễ. Ảnh: NVCC.

Ngọc Anh tự tin nói "chinh phục cột cờ Lũng Cú với anh là dễ". Ảnh: NVCC.

Vừa du lịch, vừa phải làm việc để nuôi sống những đam mê, nên các chuyến đi của Ngọc Anh không được thực hiện liên tục. Trước cực Đông khoảng 2 tháng, Ngọc Anh tới được cực Nam ở mũi Cà Mau, cũng là điểm dễ đi nhất vì di chuyển bằng ôtô và xe lăn tới tận nơi. Hơn một năm sau, anh mới đến được cực Bắc - cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang và gần đây nhất là cực Tây - A Pa Chải, Xín Thầu, Điện Biên. Tất cả đều được anh thực hiện bằng việc leo bậc thang bằng đầu gối.

Điểm đến được xem là khó nhất trong hành trình của Ngọc Anh là đỉnh Fansipan. Năm 2011, anh đã lên ý tưởng về việc leo bộ lên Nóc nhà Đông Dương bằng đầu gối, với thời gian có thể kéo dài tới 7 ngày nhưng chưa thể thực hiện được. Vào tháng 2/2016, sau thông tin tuyến cáp treo được hình thành, anh đã được chạm tới đỉnh chóp mơ ước.

Cáp treo đã rút ngắn quãng đường băng rừng của Ngọc Anh xuống 20 phút nhưng 600 bậc đá ở điểm cuối cùng vẫn là thách thức lớn đối với anh. Bỏ lại xe lăn, anh hừng hực khí thế chinh phục những bậc thang. Không khí loãng, lạnh trên cao làm anh sớm mất sức, con đường có lúc thoải, lúc thẳng đứng dốc vô số khiến anh dừng nghỉ chân, xung quanh thường vang lên những tiếng cổ vũ "cố lên anh, còn mấy bậc nữa thôi" của những du khách đi cùng.

Lên tới đỉnh sau 1h30 phút, phần vải ở đầu gối đã mòn đi, xung quanh anh là những tiếng hò reo không ngớt, nhiều người tới chúc mừng và bắt tay. Nhưng khi ấy, chàng trai xương thủy tinh không thấy hay nghe gì nữa, vì tai ù đi và mắt đã nhòe cay.

 
 

Mỗi lần chinh phục một đích đến, ngoài hạnh phúc, cảm xúc lớn nhất trong anh luôn là hẫng hụt, "có lẽ đó là cảm giác của bất cứ ai khi đặt ra được mục tiêu mà hoàn thành được", anh nói. Không chỉ "4 cực 1 đỉnh", Ngọc Anh đã du lịch hơn 50 tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Singapore... Với anh, không có điểm đến nào đẹp nhất vì ở đâu cũng có vẻ đặc biệt riêng. Anh luôn quan niệm, mỗi điểm đến sẽ chỉ đến một lần, vì thế sẽ cố gắng tận hưởng hết, từ văn hóa địa phương đến phong cảnh đẹp.

Trong quá nửa các điểm đến anh đều độc hành, còn lại là đi cùng những người bạn thân thiết. Biết mình là một người không có nhiều sức khoẻ, nên mỗi chuyến đi anh đều để dành lúc bản thân thật khoẻ mạnh để có thể hoàn thành cuộc hành trình một cách dễ dàng nhất. Những đồ vật mang theo luôn được anh tối giản nhất, chỉ vài bộ quần áo, điện thoại, máy quay để ghi lại hành trình.

Dù luôn ý thức về việc bảo vệ sức khỏe và an toàn của bản thân, không ít lần anh gặp phải sự cố như suýt gãy chân, trượt xe lăn xuống dốc mất kiểm soát, thậm chí bị cướp và bị người say rượu trêu chọc. Vì vậy, sau mỗi chuyến đi, anh lại có thêm bài học mới và biết bảo vệ bản thân hơn.

Tuổi thơ gắn liền với xe lăn

"Một người gặp hạn chế về di chuyển lại muốn đi tới nhiều nơi. Nghe mâu thuẫn nhưng những hành trình đích đến là cách mình thử thách bản thân, vừa là thực hiện ước mơ tự đặt chân đến những nơi mình đã từng thấy trên TV hồi nhỏ", Ngọc Anh chia sẻ về mục đích của những chuyến đi.

Ngày gần một tuổi, Ngọc Anh gãy một tay, một chân khi tập đi. Vết thương chưa kịp lành, anh lại bị gãy ở chỗ cũ. Khi đi viện, các bác sĩ lúc bấy giờ chẩn đoán anh bị giòn xương, thiếu canxi. Bố mẹ đưa anh chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không tiến triển. Sau vài năm y học phát triển hơn, lúc ấy gia đình mới biết anh bị xương thủy tinh, bệnh lý làm suy giảm chức năng xương do thiếu hụt hàm lượng collagen và mô liên kết khi ấy còn lạ lẫm với nhiều người.

Từ khi tập đi đến học trung học là thời điểm anh gãy xương nhiều nhất, cứ va chạm nhẹ là gãy. Nhớ những ngày mình nằm trên giường, chân tay quấn chằng chịt những băng bó bột, Ngọc Anh tự thấy mình giống như một xác ướp. Từ một tuổi đến lúc trưởng thành, anh gãy xương không biết bao lần. Có lúc, cả 2 chân đều gãy, anh dần dần tập bám và đi lại được bằng đầu gối nhưng phần lớn sinh hoạt anh đều cần có người hỗ trợ.

Sau dịch bệnh, anh mong muốn được đi du lịch trở lại, khám phá cảnh đẹp Việt Nam nhưng với cách nhẹ nhàng hơn. Ảnh trên được chụp tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC.

Sau dịch bệnh, anh mong muốn được đi du lịch trở lại, khám phá cảnh đẹp Việt Nam nhưng với cách nhẹ nhàng hơn. Ảnh được chụp tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC.

Cuối cấp 2, anh được tặng chiếc xe lăn từ tổ chức phi lợi nhuận nhưng đến lớp 12 mới sử dụng vì mặc cảm trước những lời bàn tán, chỉ trỏ. Càng ngày anh càng lầm lì ít nói. Anh khao khát được bay nhảy nhưng chỉ có thể làm bạn với sách, truyện và màn hình vô tuyến. Ước mơ được đặt chân đến những vùng đất mới trong anh càng lớn dần. 18 tuổi, anh thi đỗ đại học ở Hà Nội nhưng nghĩ bố sẽ phải vất vả theo mình tới thủ đô để chăm lo, anh gấp lại tấm bằng đại học và xin đi học nghề, cũng là một cách để phát triển đam mê kinh doanh và âm nhạc.

Hoàn thành khóa học, Ngọc Anh mở một tiệm sửa chữa di động và máy tính, mọi bước đi đều có ánh mắt dõi theo của bố mẹ. Dần dà, anh biết mình phải tách ra khỏi gia đình, phải đi thật xa mới có thể tự lập, anh chuyển lên Hà Nội, rồi bắt đầu đi nhiều nơi. Sau nhiều năm, trả lời câu hỏi ôn tồn của bố "Có làm được không?", anh vẫn quả quyết "Con làm được".

Hiện tại, Ngọc Anh vẫn tự hào về quyết định của mình thời điểm đó. Những hành trình có ý nghĩa rất lớn với anh, biến anh từ một người ít nói, hỏi gì đáp nấy thành chàng trai có thể thao thao bất tuyệt với người lạ hàng giờ đồng hồ. "Cơ hội mở ra cho mình cũng nhiều khi mình đi được nhiều nơi, bạn bè cũng nhiều hơn. Mình cũng nhận vô số những điều mà chắc trước đây chỉ có nằm mơ, à không, nằm mơ cũng không có được", anh cười nói.

Sau Covid-19, anh dự định thực hiện dự án quảng bá du lịch trong nước bằng cách chơi nhạc ở những địa điểm đẹp và hùng vĩ của Việt Nam. Đặc biệt, anh sẽ tiếp tục phát triển quỹ "Xương thuỷ tinh Việt Nam" và chương trình "1.000 xe lăn" tặng cho những người thực sự cần nó. "Mình muốn góp phần giúp họ có được một đôi chân, biết đâu 10 năm, 20 năm nữa lại có người nào đó giống mình hiện tại thì sao".

 

Lan Hương
Theo vnexpress.net