Theo đó, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Dự thảo) là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

quang-cao-pano-cho-dau-nhot-sonaimex-1-1067x800-1711877483863855542231-1712623157254-1712623158260633051145 (1)
Việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Dự thảo) là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo gồm 3 điều, đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua. Bao gồm chính sách “Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo”; chính sách “Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới”; chính sách “Hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời”.

Đánh giá cao sự tiếp thu chỉnh lý của cơ quan soạn thảo, song không ít ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát một số nội dung để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột pháp luật.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Ths Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật, khoản 11 Điều 1 của Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 23 của Luật hiện hành quy định về xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tán thành với quy định của Dự thảo về xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo, song ông Luyến đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc một số vấn đề.

Cụ thể, tại điểm a khoản 6 Điều 23 của Dự thảo quy định về hoạt động quảng cáo của tổ chức, cá nhân trong nước, bao gồm xử lý vi phạm về quảng cáo. Nhưng tại 2 đoạn cuối của điểm a này lại quy định về xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo cho thống nhất với tiêu đề tại Dự thảo điểm a khoản 6 Điều 23.

Mặt khác, điểm a khoản 6 Điều 23 Dự thảo chỉ quy định nếu tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo trên mạng thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính là chưa đầy đủ, vì có trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo mà còn gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo đã vi phạm pháp luật có phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác không? Trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo mà hành vi vi phạm đó cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có bi truy cứu trách nhiệm hình sự không?

“Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định cụ thể về các vấn đề này”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Không ít ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát một số nội dung để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột pháp luật - Ảnh minh họa: ITN
Không ít ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát một số nội dung để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột pháp luật - Ảnh minh họa: ITN

Cũng theo Ths Đặng Đình Luyến, tại điểm b khoản 6 Điều 23 Dự thảo quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động quảng cáo trên mạng xuyên biên giới vào Việt Nam nếu vi phạm pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam. Quy định này không thống nhất với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính “Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính ở nước ngoài thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, nếu có áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại nước ngoài cũng không khả thi.

“Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thay hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quảng cáo trên mạng xuyên qua biên giới vào Việt Nam nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo bằng hình thức xử lý khác có tính khả thi và hiệu lực hơn”, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, để đảm bảo hiệu lực trong thực tiễn, không ít đại biểu, chuyên gia cũng lưu ý, Dự thảo cần được rà soát, thống nhất với các luật chuyên ngành liên quan như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Quy hoạch và các Luật chuyên ngành như Luật Dược, Luật Hóa chất, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Luật Giao thông đường bộ, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Thuế thu nhập Doanh nghiệp…. nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả thực thi sau khi Luật được ban hành...

Yến Nhung