bcp.cdnchinhphu.vn-334894974524682240-2024-10-10-_img0871-17285290424601300943977.jpg

Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN -Trung Quốc lần thứ 27 - Ảnh: VGP

Các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán cơ bản nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) liên quan đến nền kinh tế số và kinh tế xanh, một động thái mà cả hai bên tin rằng sẽ mang lại sự thúc đẩy cần thiết cho thương mại và hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này được các nhà lãnh đạo đưa ra trong tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc.

Việc nâng cấp bao gồm các quy tắc mới và những cải tiến về thủ tục hải quan, các rào cản phi thuế quan bao gồm các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật liên quan đến thực phẩm, nông nghiệp và các sản phẩm công nghiệp, nền kinh tế kỹ thuật số và xanh, kết nối chuỗi cung ứng cùng các lĩnh vực khác.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết trong một thông cáo sau cuộc họp rằng cả hai bên hiện đang nỗ lực hướng tới việc hoàn tất toàn bộ các cuộc đàm phán dự kiến ​​vào năm tới.

Đây là lần nâng cấp thứ hai kể từ khi thành lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc vào năm 2010. Các cuộc đàm phán nâng cấp ACFTA 3.0 đã được khởi động vào năm 2022, với mục đích đảm bảo thỏa thuận vẫn phù hợp, sẵn sàng cho tương lai và đáp ứng được các thách thức toàn cầu.

Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Singapore Laurence Wong cho biết, việc nâng cấp Hiệp định là một bước đi quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới. "Điều này sẽ gửi một thông điệp rất rõ ràng và quan trọng đến mọi người về tầm quan trọng của thương mại tự do và hợp tác thị trường cùng có lợi", ông nhấn mạnh; đồng thời nói thêm rằng các nước nên tận dụng động lực này để tự do hóa dần dần thỏa thuận vận tải hàng không ASEAN-Trung Quốc.

bcp.cdnchinhphu.vn-334894974524682240-2024-10-10-_img0861-17285290393641611530527.jpg
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc thông qua các tuyên bố chung. Ảnh: VGP

Thủ tướng Singapore Laurence Wong cũng cho biết Trung Quốc có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi sang nhiên liệu sạch hơn và ít carbon của ASEAN, đồng thời giúp tăng cường khả năng phục hồi năng lượng trong khu vực. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của Trung Quốc về năng lượng sạch có thể giúp thúc đẩy các kế hoạch của ASEAN về việc xây dựng lưới điện khu vực.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết trong một tuyên bố: "Việc giới thiệu các chương mới về kết nối chuỗi cung ứng, kinh tế số và kinh tế xanh lần đầu tiên trong các thỏa thuận của ASEAN tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân của khu vực tận dụng các lĩnh vực mới nổi, đảm bảo khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các thách thức trong tương lai.”

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN kể từ năm 2009. Hiệp hội này cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh, sau khi vượt qua Liên minh châu Âu vào năm 2020.

ACFTA bao gồm một khu vực thương mại tự do với hơn 2 tỷ người với tổng sản phẩm quốc nội vượt quá 20 nghìn tỷ USD. Kể từ khi thành lập vào năm 2010, thương mại hàng hóa của ASEAN với Trung Quốc đã tăng gấp ba lần, từ 235,5 tỷ USD lên 696,7 tỷ USD vào năm 2023.

Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào ASEAN đạt 17,3 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ ba của ASEAN.

ACFTA có hiệu lực vào năm 2010, với mức thuế quan bằng 0 bao gồm hơn 90% các mặt hàng nhập khẩu từ cả hai bên. Hiệp định đã được nâng cấp lên ACFTA 2.0 vào năm 2019. Tại lần nâng cấp này, hai bên đã chứng kiến ​​những cải tiến về quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại, tiếp cận thị trường dịch vụ, cũng như tăng cường hợp tác kinh tế và kỹ thuật.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, các quy tắc xuất xứ cụ thể cho từng sản phẩm của ACFTA vẫn cũ và nghiêm ngặt so với những tiến bộ trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Cụ thể, theo Tiến sĩ Lurong Chen thuộc Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), việc soạn thảo giao thức ACTA về các quy tắc xuất xứ và các quy tắc chung thiếu rõ ràng và minh bạch, dẫn đến những thách thức trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, chuyên gia này chỉ ra, việc xây dựng một ACFTA 3.0 chuyên sâu phải đối mặt với những thách thức do lợi ích đa dạng và các giai đoạn phát triển của 11 bên đàm phán. Sự phức tạp này có thể khiến các cuộc đàm phán đi theo hướng áp dụng các điều khoản "mẫu số chung thấp nhất" như trước đây.

Bất chấp những rào cản này, ông Inkyo Cheong từ ERIA cho rằng, việc ACFTA 3.0 tập trung vào các xu hướng mới nổi là rất quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và thúc đẩy hội nhập khu vực sâu rộng hơn.

"ACFTA 3.0 có tiềm năng thiết lập các chuẩn mực mới cho các hiệp định thương mại khu vực và đóng góp đáng kể vào khuôn khổ khu vực rộng lớn hơn, bao gồm cả RCEP trong tương lai", chuyên gia này nói thêm.

Cẩm Anh