Anh Nguyễn Đức Hùng là người có kinh nghiệm chinh phục nhiều ngọn núi cao và hiểm trở nhất Tây Bắc, cũng như từng khám phá hang Sơn Đoòng. Dưới đây là những chia sẻ của anh về chuẩn bị trước và trong hành trình để có chuyến leo núi an toàn.

Chuẩn bị thể lực và sức bền trước khi đi

Leo núi là môn thể thao không dành cho những người có sức khỏe yếu hoặc mắc các bệnh xương khớp, tim mạch hay huyết áp. Người có sức khỏe tốt vẫn cần chạy bộ, đặc biệt phải leo cầu thang hoặc tập các bài tập đứng lên ngồi xuống hàng ngày từ 3 tuần đến 1 tháng trước chuyến đi để cơ thể quen với việc bị dồn ép liên tục khi leo núi. Tôi đã gặp nhiều trường hợp các bạn trẻ và khỏe nhưng bị viêm đầu gối, cổ chân hoặc bắp chân khi leo núi do trước đó không tập luyện kỹ. Nhiều người không thể leo tiếp và buộc phải nhờ người dìu xuống núi.

Trước khi đi cần phải ăn đủ các chất bổ dưỡng và ngủ đủ giấc. Các cung leo núi phía Bắc thường nằm ở nơi hẻo lánh, mất nhiều tiếng đi ôtô để đến được điểm xuất phát. Riêng cung leo Pusilung, thời gian di chuyển bằng ôtô giường nằm từ Hà Nội lên tới điểm xuất phát ở xã Pa Vệ Sử (huyện Mường Tè, Lai Châu) mất 13-14 tiếng. Chính vì vậy, với các cung xa, bạn nên di chuyển gần đến điểm xuất phát và ngủ đêm tại đó để có một thể trạng tốt nhất cho chuyến đi vào ngày hôm sau.

Đường lên Tà Chì Nhù. Ảnh: Nguyễn Đức Hùng

Đường lên Tà Chì Nhù. Ảnh: Nguyễn Đức Hùng

Tìm hiểu trước về cung leo

Trước chuyến đi, phượt thủ cần phải tìm hiểu kỹ về cung đường, ngọn núi mà mình sắp chinh phục, từ địa hình, địa vật, thảm động thực vật... Điều này rất quan trọng vì nó sẽ giúp ta biết sẽ phải đối mặt với khó khăn gì để có thể vượt qua.

Ngoài ra, cũng cần theo dõi kỹ dự báo thời tiết những ngày đi. Không nên leo một số cung có nhiều suối và dốc dựng đứng nếu trời đang mưa hoặc dự báo mưa.

"Nếu trời mưa to, tôi sẽ không đưa khách của mình chinh phục các đỉnh Pusilung hay Nam Kang Hô Tao vì rất nguy hiểm", anh Nguyễn Trung Kiên, người thường xuyên tổ chức các chuyến leo núi ở Tây Bắc, chia sẻ.

Cung leo Pusilung có tổng cộng 11 cung suối lớn nhỏ. Một trận mưa to sẽ làm nước suối dâng cao, có thể gây lũ cuốn hoặc chia cắt đường, khiến phượt thủ bị kẹt trong rừng nhiều ngày. Cung Nam Kang Hô Tao có nhiều vách đá dựng đứng, trời mưa các vách đá rêu phong sẽ trơn trượt, người leo nếu bị ngã có thể rơi xuống vực sâu.

Chuẩn bị các vật dụng cá nhân cần thiết

Trong mỗi chuyến đi leo núi, trang phục của tôi gồm: Áo cotton bên trong thoáng nhẹ, áo khoác nhẹ, quần dài mau khô, mũ chống nắng, găng tay, kính chống nắng, bó đầu gối, bó cổ chân giúp giảm thiểu tác động tới đầu gối và cổ chân.

Ngoài ra có balo nhỏ (đựng đồ ăn nhẹ, áo khoác giữ ấm và áo khô, khăn quàng, áo mưa, thuốc cảm cúm, nước uống, bật lửa...). Dù trời nóng, tôi cũng phải mang theo áo khoác giữ ấm đề phòng thay đổi thời tiết. Khi leo ở vùng núi hay đồi trọc dưới thời tiết nắng nóng, bạn cần mặc đồ chống nắng nhưng phải thoáng mát để đề phòng bị sốc nhiệt. Giày leo núi có khả năng thoát nước tốt, gậy leo núi cũng rất cần thiết.

Cần lưu ý, ở trên núi cao, dù trời nắng và khi leo núi người rất nóng nhưng nhiệt độ ngoài trời luôn thấp và có gió mạnh. Vì vậy, mỗi khi dừng nghỉ, bạn cần lấy khăn khô lau mồ hôi trên cơ thể và mặc áo khoác để tránh bị cảm lạnh. Nếu gặp mưa, cần thay đồ khô và mặc áo khoác ấm và mặc áo mưa ở bên ngoài để tránh bị ngấm nước và mất nhiệt.

Phải có người địa phương dẫn đường

Theo anh Mạnh Chiến, quản trị của Diễn đàn Hội Đam mê leo núi với hơn 45.000 thành viên, với các cung leo hiểm trở Tây Bắc, bạn nên đi cùng những người có kinh nghiệm tổ chức hoặc thuê trưởng nhóm và người dẫn đường (leader), người gùi đồ địa phương (porter) có kinh nghiệm và đã từng leo các cung đó.

Trưởng nhóm hay người dẫn đường có kinh nghiệm sẽ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, lường trước được những khó khăn và biết cách xử lý tình huống khi có vấn đề phát sinh. Cung leo như Pusilung rất dài và hiểm trở, nếu không có họ, các phượt thủ có thể lạc đường hoặc không chinh phục được núi do bố trí thời gian không hợp lý.

Với các cung leo khó và không có có lán nghỉ, bạn nên thuê nhiều porter, hai người đi có một porter để tránh tình trạng phải tự mang vác lều, đồ nấu nướng và đồ ăn, dẫn đến thể lực giảm sút.

Người dẫn đường giúp các du khách vượt suối. Ảnh: Hoàng Bắc

Người dẫn đường giúp các du khách vượt suối. Ảnh: Hoàng Bắc

Không chủ quan

Theo anh Nguyễn Hoàng Bắc, một người chuyên tour leo núi Tây Bắc, tất cả các cung leo đã được các phượt thủ đi trước giới thiệu chi tiết. Tuy nhiên, những người đi sau tuyệt đối không được chủ quan. Đặc biệt, trong quá trình leo, không được tách đoàn và luôn đi sau các porter để tránh bị lạc hoặc gặp rắn, thú dữ. Trong trường hợp bị lạc, hãy tìm ra đường mòn gần nhất hoặc ở nguyên tại chỗ và tìm cách đốt lửa, khói báo hiệu để cho các thành viên khác tìm mình.

Nếu bạn không quen tắm nước lạnh thì không nên tắm suối vì nước suối ở vùng núi phía Bắc rất lạnh, dễ bị cảm. Cá nhân tôi ở nhà thường xuyên tắm nước lạnh nên có thể tắm ở suối, nhưng thường tắm rất nhanh khi cơ thể còn ấm và ngay lập tức mặc đồ ấm, vào nghỉ ở trong lều hoặc lán kín gió.

Khi phải ngủ ở lều, bạn cần dựng lều ở nơi cao và khô, sử dụng tấm lót tấm cách nhiệt để tránh cơ thể nhiễm lạnh khi tiếp xúc đất. Có thể dùng lá khô để trải ở dưới lều trong trường hợp không có tấm cách nhiệt. Đặc biệt không uống rượu trước, và trong khi leo để tránh bị nhão cơ và đầu óc mất tỉnh táo. Sau khi uống rượu, cơ thể gặp thời tiết mưa hoặc nắng nóng cũng dễ bị cảm.

Nếu thấy sức mình không thể đi tiếp thì không nên cố. Hãy báo ngay cho trưởng nhóm hoặc các thành viên trong đoàn để được hỗ trợ kịp thời.

 

Nguyễn Đức Hùng
Theo vnexpress.net