Trở thành điểm sáng về Công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã khởi tạo mục tiêu này ra sao?

Tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ Công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lĩnh vực này đang trở thành hạt nhân của ngành điện tử toàn cầu, với doanh thu dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Cùng với xu hướng nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang châu Á và Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế, nước ta đang có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành Công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Cùng với ngành Bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo PwC, đến năm 2030, AI có khả năng đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Trước tiềm năng đó, Việt Nam đã nhanh chóng có những bước đi quan trọng trong thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 5 Đông Nam Á về Chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu, theo Oxford Insights.

Bám sát vào bối cảnh trên, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 - Vietnam Innovation Challenge được tổ chức với chủ đề "Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành Công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo chinh phục thị trường toàn cầu". Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức

Thông qua chủ đề mùa thứ hai, Chương trình không chỉ cho thấy tầm nhìn và sự ủng hộ rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy hai lĩnh vực tiềm năng này mà còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược Chính phủ đặt ra.

Điểm nhấn khác biệt và những con số ấn tượng

Hơn 750 đề xuất giải pháp có chất lượng tốt từ nhiều quốc gia: Sau hơn 4 tháng khởi động, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 đã thu hút hơn 750 để xuất, giải pháp có chất lượng tốt và ghi nhận hơn 3 triệu lượt xem, tương tác trên đa nền tảng chỉ trong giai đoạn sơ tuyển và vòng loại. Chương trình đón nhận các giải pháp đến từ 20 quốc gia trên thế giới, nhiều hơn so với năm ngoái, đến từ các nền kinh tế có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Thái Lan, Philippines…

Trở thành điểm sáng về Công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã khởi tạo mục tiêu này ra sao?- Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 nhận được nhiều sự quan tâm của các Bộ ngành, các chuyên gia, sự cam kết từ các đơn vị đồng hành, trong đó có các tập đoàn công nghệ hàng đầu và nhiều quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Tập đoàn Meta liên tục đồng hành cùng Chương trình từ năm 2022 với vai trò đối tác chiến lược và đơn vị đồng tổ chức.

Với tư cách là đối tác chiến lược và đơn vị đồng tổ chức, Tập đoàn Meta đã tích cực tham gia cùng Hội đồng tuyển chọn để xem xét và đánh giá các đề xuất giải pháp nhằm tìm ra những sáng kiến nổi bật nhất. "Chúng tôi rất vui mừng khi thấy chương trình đã thu hút 750 đề xuất giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số có chất lượng tốt từ các doanh nghiệp và dự án đổi mới sáng tạo không chỉ tại Việt Nam mà còn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ nổi tiếng với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sôi động" - đại diện Tập đoàn cho biết.

Quy tụ các tập đoàn, SMEs, startups: Với 3 đối tượng tham gia, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 quy tụ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp startups đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo. Đáng chú ý, năm nay, nhóm tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia đông đảo (chiếm 30% tổng số giải pháp) như: Viettel, FPT, VNPT, Cadence, Phenikaa… Đây là minh chứng cho sự quan tâm và trách nhiệm của nhóm đối tượng này trong việc tiên phong thúc đẩy sự phát triển Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chương trình năm nay thu hút nhiều giải pháp AI sử dụng Llama - mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở hiện đại nhất của Meta, với gần 30% trong số 30 giải pháp xuất sắc nhất sử dụng mô hình này. Qua đó, cho thấy bước tiến mạnh mẽ của lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo.

Sau hơn 6 tháng khởi động, Hội đồng đã lựa chọn 15 giải pháp đổi mới sáng tạo tiêu biểu; trong đó lĩnh vực Bán dẫn có 6 giải pháp, lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo có 9 giải pháp. 15 giải pháp này được Hội đồng tuyển chọn đánh giá cao về tính đổi mới sáng tạo, tác động xã hội, tính bền vững, tính độc đáo công nghệ áp dụng, khả năng nhân rộng quy mô lớn, chi phí phù hợp và đã có sản phẩm để đưa ra thị trường.

Đặc biệt, Hội đồng cũng đã chọn ra 5 giải pháp tiêu biểu xuất sắc nhất, gồm: Cadence (Tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công cụ tự động hóa thiết kế điện tử và thiết kế vi mạch) và Nexus Photonics (Công ty thiết kế chip quang học do người Việt Nam đồng sáng lập) trong lĩnh vực Bán dẫn; 3 đại diện FPT, Viettel và CHOSEN (đến từ Thái Lan) trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo.

Trở thành điểm sáng về Công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã khởi tạo mục tiêu này ra sao?- Ảnh 2.

Trở thành "bệ phóng" của các ý tưởng đổi mới sáng tạo

Năm 2023, Chương trình đã tìm ra 4 giải tiêu biểu xuất sắc nhất là: oneSME (VNPT), FPT akaBot (FPT IS), MISA AMIS (CTCP MISA), BenKon (CTCP BenKon). Sau chương trình, các giải pháp đã nhận được giải thưởng hiện kim cùng các gói hỗ trợ đặc quyền, giúp sản phẩm đến gần hơn với người dùng.

Tại buổi lễ công bố Giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng rằng đây là bước đi đầy triển vọng nhằm kết nối khu vực công, khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế xã hội khác cùng hình thành, thử nghiệm và thực thi các sáng kiến đổi mới sáng tạo, góp phần tăng năng suất của doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững".

Trở thành điểm sáng về Công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã khởi tạo mục tiêu này ra sao?- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Lễ Công bố Vietnam Innovation Challenge 2023

Sau mùa giải thứ đầu tiên, 4 giải pháp tiêu biểu xuất sắc nhất đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, oneSME tiếp tục chứng minh vị thế sàn thương mại điện tử B2B đầu tiên tại Việt Nam cung cấp giải pháp số toàn diện. FPT akaBot mở rộng tiếp cận tới các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, điển hình qua hợp tác với Daiwabo Information System (DIS) và SCSK ServiceWare, phân phối giải pháp tới các doanh nghiệp Nhật Bản.

Giải pháp MISA AMIS sau chương trình tiếp tục cập nhật, nâng cấp giao diện, tính năng mới để tăng độ tiếp cận với doanh nghiệp. Công ty khởi nghiệp BenKon đã thành công ký Biên bản ghi nhớ với POTMASCO vào tháng 11/2023; hợp tác với doanh nghiệp thiết kế và phát triển sản phẩm ETEAMS.

Trở thành điểm sáng về Công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã khởi tạo mục tiêu này ra sao?- Ảnh 4.

4 giải pháp tiêu biểu xuất sắc được Thủ tướng Chính phủ vinh danh tại Lễ Khánh thành NIC Hoà Lạc

Tại Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, các giải pháp xuất sắc sẽ nhận được tổng giá trị giải thưởng lên đến 300.000 USD cùng các gói hỗ trợ toàn diện, bao gồm: Hỗ trợ về kỹ thuật khảo sát thị trường nước ngoài từ các tổ chức quốc tế, tập đoàn công nghệ đa quốc gia; cơ hội mở rộng thị trường và triển khai thí điểm giải pháp từ các tỉnh, thành phố lớn trong nước; truyền thông, quảng bá hình ảnh đa kênh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ không gian làm việc tại Cơ sở NIC Hà Nội và NIC Hòa Lạc.

Ánh Dương