Một trong những đề xuất chính sách được triển khai tại trung tâm tài chính quốc tế và khu vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến việc khuyến khích, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với các lĩnh vực ưu tiên; trong đó tập trung ưu tiên phát triển các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).

tttc.jpg
Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh dự kiến đặt tại khu đô thị mới Thủ Thiêm

Theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được lựa chọn để xây dựng trung tâm tài chính của Việt Nam. Dự kiến, các trung tâm tài chính trên được thành lập và vận hành trong năm 2025. Việc tham gia cuộc chơi mới và cách thức mới được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng thu hút thêm nguồn lực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay và giai đoạn tiếp theo, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

Là một trong những doanh nhân dành nhiều tâm huyết cho việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch tập đoàn IPPG đã từng nhấn mạnh, thông qua việc kết nối nguồn vốn trong và ngoài nước, trung tâm tài chính sẽ giúp nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án quan trọng, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế.

Đồng thời, với môi trường đầu tư minh bạch, pháp lý rõ ràng và cơ sở hạ tầng hiện đại, Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn tài chính và nhà đầu tư quốc tế. Điều này không chỉ mang lại nguồn vốn dồi dào mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và trí thức tài chính tiên tiến cho nền kinh tế Việt Nam.

Đồng tình với những những đề xuất chính sách cho trung tâm tài chính mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập tại dự thảo xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Việt Nam, đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã nhấn mạnh đến thế mạnh và cơ hội mà Việt Nam cần tận dụng để tạo sự khác biệt, tăng tính hấp dẫn và cạnh tranh so với các trung tâm tài chính toàn cầu khác.

Cụ thể, các trung tâm tài chính tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh cần tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số. Bên cạnh việc khuyến khích, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, dự kiến các cơ quan chức năng cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech); có cơ chế ưu đãi vượt trội với hoạt động tài chính xanh như mua bán tín chỉ carbon, tài trợ vốn cho các dự án xanh…

KCN xanh
Thông qua trung tâm tài chính quốc tế, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, trước xu hướng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ và dịch vụ tài chính ngày càng dựa vào công nghệ thì các trung tâm tài chính sẽ dịch chuyển thành các trung tâm công nghệ hoặc cộng sinh với các trung tâm công nghệ. Đây được xem là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu nhưng cũng mang đến cơ hội cho trung tâm tài chính mới hình thành.

Trong khi đó, thị trường fintech toàn cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ với giá trị đạt khoảng 310 tỷ USD vào cuối năm 2023. Tại Việt Nam, theo báo cáo xếp hạng Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) lần thứ 36, trong lĩnh vực fintech, TP. Hồ Chí Minh đạt 609 điểm, xếp hạng 100, sau Jarkarta - Indonesia (xếp hạng 94) nhưng đứng trên Manila - Philippines (101) và Bangkok - Thái Lan (102).

Thống kê sơ bộ có khoảng 150 doanh nghiệp fintech hoạt động tại TP Hồ Chí Minh; trong đó hợp tác với các ngân hàng đã thúc đẩy các doanh nghiệp fintech ngày càng lớn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cùng với nhu cầu tài chính xanh rất lớn của khu vực Đông Nam Á nói chung chính là cơ hội tốt để các trung tâm tài chính của Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài chính xanh của khu vực thông qua việc phát hành trái phiếu xanh; tạo điều kiện cho giao dịch tín chỉ carbon và phát triển các sản phẩm tài chính dành riêng cho các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững… Các chuyên gia kỳ vọng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính như vậy.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đánh giá, phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng cần tập trung vào fintech: phát triển công nghệ thanh toán, công nghệ bảo hiểm, công nghệ tuân thủ, quản lý tài sản, an ninh mạng và blockchain… song song với việc phát triển các mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo tiêu chí ESG.

Hạnh Lê