Ngày 10/2, Trung Quốc chính thức áp thuế với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 14 tỷ USD của Mỹ. Các hàng hóa bị đánh thuế bao gồm dầu thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và một số máy móc và phương tiện cơ giới. Động thái này diễn ra 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa từ Trung Quốc.

Tuần trước, người ta kỳ vọng vào cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể giúp tránh được những leo thang trong xung đột thương mại. Tuy nhiên, cuộc điện đàm đó đã không bao giờ trở thành hiện thực.

Ở thời điểm này, câu hỏi đặt ra là đôi bên sẽ làm gì tiếp theo cũng như 2 nền kinh tế sẽ sẵn sàng đẩy quan hệ thương mại tới đâu?

Cho đến nay, ngay cả khi loạt đạn khai chiến đã được bắn ra, đôi bên dường như vẫn để lại “đất” cho một thỏa thuận tiềm năng.

Theo mức thuế vừa có hiệu lực, Trung Quốc sẽ đánh thuế 15% với một số loại than và LNG từ Mỹ. Dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số phương tiện cơ giới chịu thuế 10%. Lượng hàng hóa bị ảnh hưởng khoảng 14 tỷ USD, chiếm chưa tới 9% tổng lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ. Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc xuất khẩu lượng hàng hóa 524 tỷ USD sang Mỹ và nhập khẩu về hơn 163 tỷ USD trong năm ngoái.

Tuần trước, Trung Quốc cũng công bố kiểm soát xuất khẩu với một số nguyên liệu thô, vốn chiếm vị trí quan trọng trong các lĩnh vực quốc phòng và công nghệ xanh. Bắc Kinh cũng nhắm vào một số công ty Mỹ.

Trong khi đó, mức thuế mà ông Trump áp dụng nhẹ nhàng hơn so với tuyên bố 60% trong quá trình tranh cử. Dẫu vậy, việc bổ sung thêm khoản thuế 10% vào những mức thuế hiện đang có với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng gây ra nhiều vấn đề với Bắc Kinh.

Nhiều người cho rằng ông Trump đang sử dụng thuế quan như một “công cụ đàm phán”. Dẫu vậy, chưa thể xác định ông Trump muốn gì từ phía Trung Quốc và sẵn sàng đưa ra những gì để đổi lại.

Về phía Trung Quốc, việc đáp trả với mức thuế nhằm vào lượng hàng hóa chưa tới 14 tỷ USD từ Mỹ có thể cũng phản ánh việc Bắc Kinh vẫn đang xem xét các động thái tiếp theo của Washington.

Dẫu vậy, một thời hạn khác vẫn đang lơ lửng treo trên các cuộc đàm phán – ngày 1/4. Đó là ngày mà ông Trump ra lệnh cho các quan chức của mình tiến hành điều tra về mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, điều có thể tạo ra nhiều bất định trong hành động tiếp theo của các bên.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang tỏ ra cẩn trọng trong các hành động của mình. Thậm chí, Bắc Kinh còn chuẩn bị sẵn cho các tình huống bất trắc đồng thời cũng cân nhắc các động thái đáp trả khi ông Trump leo thang chiến tranh thương mại.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã cải tổ các quy định kiểm soát xuất khẩu, tăng cường khả năng hạn chế nhiều loại nguyên liệu thô và khoáng sản quan trọng, được cho là thiết yếu với an ninh kinh tế và quốc phòng của Mỹ. Các nhà phân tích ước tính Trung Quốc kiểm soát khoảng 60% sản lượng và chiến tới 85% công suất chế biến khoáng sản toàn cầu.

Các nhà phân tích cũng đồng quan điểm rằng Trung Quốc đã chuẩn bị cho chiến tranh thương mại tốt hơn so với giai đoạn nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Các công ty Trung Quốc đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đồng thời đẩy mạnh các biện pháp “củng cố hoặc sửa chữa mối quan hệ” với các đối tác khác.

Tham khảo: CNN

Tuyên bố không có ngoại lệ, ông Trump 'quay xe' cân nhắc miễn trừ thuế nhập khẩu nhôm, thép đối với một quốc gia đồng minh

Linh Anh