Thông tư số 44/2024/TT- do Bộ GTVT ban hành ngày 15/11/2024 Quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, có hiệu lực từ 1/1/2025. Theo đó, trần giá vé máy bay nội địa một chiều dao động trong khoảng 1,6 - 4 triệu đồng.
Thông tư 44 quy định dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được định giá phân loại theo cự ly nhóm đường bay, bao gồm nhóm dưới 500km (nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội và nhóm đường bay khác); nhóm từ 500km đến dưới 850km; nhóm từ 850km đến dưới 1.000km; nhóm từ 1.000km đến dưới 1.280km và nhóm từ 1.280km trở lên.
Thông tư nêu rõ, mức giá tối đa dịch vụ quy định đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, không bao gồm các khoản thu: Thuế giá trị gia tăng; Các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm: Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay; giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; Các khoản giá dịch vụ tăng thêm.
Giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam là giá dịch vụ hành khách phải trả cho hành trình sử dụng trong khoang phổ thông của tàu bay đối với hạng dịch vụ đáp ứng được yêu cầu cơ bản của đa số hành khách trên chuyến bay nội địa từ dịch vụ mặt đất cho đến dịch vụ trên không.
Theo quy định hiện hành, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được quy định theo nhóm đường bay và quy định mức giá trần.
Cụ thể, nhóm dưới 500km (nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội và nhóm đường bay khác) có mức giá tối đa từ 1,6 - 1,7 triệu đồng/vé/chiều.
Nhóm đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức tối đa là 2,250 triệu đồng/vé/chiều.
Nhóm đường bay từ 850km đến dưới 1.000km có mức tối đa là 2,890 triệu đồng/vé/chiều.
Nhóm đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280 km có mức tối đa là 3,4 triệu đồng/vé/chiều.
Nhóm đường bay từ 1.280km trở lên có mức giá tối đa là 4 triệu đồng/vé/chiều.
Bộ GTVT lưu ý, giá vé máy bay vừa nêu chưa bao gồm các khoản thu như: Thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh (giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay; giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý); các khoản giá dịch vụ tăng thêm.
Theo Bộ GTVT, Mức giá trần vé máy bay tăng do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá đều tăng cao. Năm 2022, giá nhiên liệu bay Jet A1 đã vượt ngưỡng 150 USD một thùng, trong khi năm 2015 giá Jet A1 chỉ khoảng 60 USD một thùng.
Năm 2022, các hãng hàng không trong nước đều kiến nghị tăng giá vé máy bay nội địa do khung trần vé máy bay được quy định từ năm 2015 và thực tế này hiện không còn phù hợp, cần được xem xét, điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Hồi tháng 6, Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải hàng không (VABA) kiến nghị bỏ quy định trần vé máy bay, đề xuất Chính phủ bỏ điều khoản này trong Luật Giá. VABA cho rằng quy định trần giá vé máy bay nội địa làm "méo mó quan hệ cung cầu trên thị trường vận chuyển hàng không", "ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các hãng bay".
Tuy nhiên, Chính phủ quyết định không bỏ trần giá vé máy bay nội địa vì đây là công cụ điều tiết, giúp người dân có thể tiếp cận giá vé hợp lý.
Minh Hà