Thông tin từ Công an tỉnh Nam Định cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Trực đang điều tra làm rõ vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên không gian mạng", bắt khởi tố Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 1995, ở xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Quá trình điều tra xác định, Nguyễn Văn Vũ thông qua mạng xã hội đặt mua các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Trung Quốc với giá rẻ và đặt kèm theo vỏ hộp, tem, nhãn thương hiệu thuốc nhỏ mắt của Nhật Bản. Thông qua mạng xã hội, Vũ đăng tải các bài viết, quảng cáo các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Nhật Bản.
Khi các bị hại tin tưởng với nội dung quảng cáo, giới thiệu, đặt mua, Vũ trực tiếp đóng hàng và gửi dịch vụ COD (nhận hàng, trả tiền) cho bị hại. Bước đầu, cơ quan công an đã làm rõ, với phương thức, thủ đoạn như trên, đối tượng đã lừa bán các loại thuốc nhỏ mắt giả nhãn hiệu của Nhật Bản cho khoảng hơn 10.000 người trên địa bàn toàn quốc, chiếm đoạt tổng số tiền khoảng hơn 3 tỉ đồng.
Đáng nói, đây không phải lần đầu một lượng lớn thuốc giả bị lực lượng chức năng phát hiện khi đang lưu hành trên thị trường. Trước đó, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều đường dây tổ chức sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn. Thậm chí, các đường dây này đã hoạt động khá lâu với số thuốc giả có thể đã tuồn ra thị trường khá nhiều, kéo theo đó là số lượng dược phẩm “dạt” đến tay bệnh nhân đã, đang ngày càng gia tăng... Và hệ lụy của vấn đề này khó có thể đong đếm hết được.
Điển hình như đường dây chuyên tổ chức sản xuất, buôn bán tân dược giả các loại, quy mô cực lớn, do đối tượng Quách Ngọc Giao (sinh năm 1968, ngụ phường 11, quận 10) cầm đầu, đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá giữa năm 2023.
Trong chuyên án này, cơ quan điều tra đã thu giữ toàn bộ máy móc ép vỉ, đóng gói tân dược giả; tạm giữ khoảng 3 triệu viên thuốc và 31.000 ống tân dược giả thành phẩm các loại (trị giá tương đương 10 tỷ đồng hàng thật); bắt giữ 10 đối tượng (trong đó có đối tượng chủ mưu, cầm đầu). Bên cạnh đó, khẩn trương truy xét 3 điểm tiêu thụ tân dược giả; bước đầu thu hồi hơn 130.000 viên tân dược giả các loại đã được tiêu thụ ra thị trường. Theo ước tính của các công ty dược có sản phẩm bị làm giả, tổng trị giá toàn bộ tang vật thu giữ trong chuyên án này ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đáng nói, để làm ra thành phẩm thuốc giả, các đối tượng sử dụng thủ đoạn mua tân dược có cùng hoạt chất từ các công ty dược Việt Nam sản xuất; sau đó, thay đổi bao bì, tem nhãn do nước ngoài sản xuất đã được đặt làm giả tại các cơ sở thiết kế, in ấn, gia công bao bì bán ra thị trường để thu lợi bất chính.
Cũng trong năm 2023, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã phải đưa ra cảnh báo thị trường xuất hiện nhiều thuốc giả điều trị ung thư, đái tháo đường, huyết áp, dạ dày, thuốc nhỏ mắt sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) phát hiện nhiều lô thuốc giả hoặc nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc đã và đang lưu hành trên thị trường.
Hệ lụy khôn lường
Theo các chuyên gia y tế, thuốc giả hoành hành gây ra sự nguy hại rất lớn cho người bệnh. Khi dùng thuốc giả, người bệnh có thể phải tốn kém rất nhiều tiền bạc để trả tiền mua thuốc, nhưng bệnh tật không thuyên giảm, dẫn đến tình trạng lờn thuốc, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người bệnh vì cứ nghĩ rằng mình đã hết thuốc chữa.
Thuốc giả còn gây khó cho công tác điều trị của bác sĩ vì thuốc giả có thể làm vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị, bởi nếu người bệnh nặng cần phải sử dụng các loại thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh mà gặp phải thuốc giả không đủ hàm lượng thì thời điểm vàng trong việc cứu sống bệnh nhân sẽ trôi qua, dẫn đến hậu quả là bệnh ngày càng nặng thêm hoặc tử vong.
Ngoài ra, người bệnh nếu dùng phải thuốc giả có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc, buộc bác sỹ điều trị phải thay đổi quy trình điều trị, dẫn đến thời gian điều trị kéo dài và người bệnh phải chi phí rất tốn kém.
Trường hợp những người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn… cần phải dùng thuốc thường xuyên và trong thời gian lâu dài, nếu dùng phải thuốc giả thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng vì quá trình điều trị không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng hơn.
Thuốc giả cũng thường xuyên gây những tác dụng phụ trên người bệnh như dị ứng thuốc, ngộ độc…, làm cho bác sĩ khó kiểm soát vì không xác định chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả.
Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, dược chất kém chất lượng do quy trình sản xuất bằng phương pháp thủ công, người sản xuất pha trộn thêm nhiều loại tạp chất khác, thậm chí có thể lẫn cả độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong.
Để tránh mua phải thuốc kém chất lượng, thuốc giả, người tiêu dùng được các chuyên gia khuyến cáo nên mua tại các cơ sở bán lẻ lớn, uy tín. Người mua cần quan sát kỹ thuốc để phát hiện những bất thường về bao bì, dạng thuốc. Luôn kiểm tra hạn sử dụng để tránh các thuốc hết hạn dùng. Cảnh giác với những loại thuốc có giá thấp bất thường. Tìm hiểu và sử dụng các công nghệ xác minh, tem chống hàng giả…
Cần kết hợp nhiều giải pháp khoa học - công nghệ
Đối với các nhà sản xuất chân chính, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần kết hợp nhiều giải pháp khoa học - công nghệ như: công nghệ chuỗi khối truyền tải dữ liệu an toàn trên hệ thống mã hóa, Internet vạn vật, nhận dạng qua tần số vô tuyến, xử lý ảnh kỹ thuật số… để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo.
Đặc biệt, giải pháp áp dụng công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến - sử dụng trường điện từ tự động nhận dạng và theo dõi các thẻ hỗ trợ được gắn vào sản phẩm để theo dõi từ khâu sản xuất và quá trình phân phối đến tận người tiêu dùng, được khuyến nghị các nhà sản xuất sử dụng.
Trao đổi với báo chí,PGS-TS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) cũng cho rằng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý dễ dàng nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Truyền, đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm của mình, chống giả mạo. Ngoài ra, với việc công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cần nghiên cứu, phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả, hàng nhái.
“Nếu các nhà quản lý và doanh nghiệp không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn công nghệ tội phạm dùng, thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng”, PGS-TS Lê Văn Truyền nhấn mạnh.
Khôi Nguyên