Theo đó, sau hơn 8 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nền tảng pháp lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

sua-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-12.1.2.jpg
Sau hơn 8 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã cho thấy một số tồn tại, hạn chế - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, thực tiễn thi hành Luật này được cho còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo; việc ban hành chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới còn chậm, chưa tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy được động lực tăng trưởng, chưa thích ứng và theo kịp những thay đổi nhanh chóng dưới sự tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Do đó, theo Bộ Tư pháp, việc ban hành Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế qua hơn 8 năm thi hành Luật này.

Mục đích xây dựng Dự án luật là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

sua-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-12.1.1.jpeg
Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, không luật hóa những nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ và của bộ, ngành - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật (sửa đổi) gồm 8 Chương, 98 Điều (giảm 9 Chương, 75 Điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015). Trong đó, Chương 1 quy định chung gồm 19 Điều; Chương 2 thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật gồm 13 Điều; Chương 3 xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Nhìn nhận nội dung Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), nhiều ý kiến kỳ vọng, việc sửa đổi Luật sẽ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, nhằm khơi thông điểm nghẽn về mặt thể chế. Qua đó, tạo lập khung khổ pháp lý vừa bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ vừa bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tham gia góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - Trần Minh Khương đề nghị sửa đổi khoản 1, Điều 58 Dự thảo Luật thành “Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Thông tư để quy định chuẩn mực, quy trình, hồ sơ kiểm toán và những vấn đề được Luật Kiểm toán và luật khác có liên quan giao”. Đồng thời, không luật hóa những nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ và của bộ, ngành mà chỉ quy định chi tiết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Về vấn đề xin ý kiến cấp ủy, vị này đề nghị, cần nghiên cứu làm rõ cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật xin ý kiến hay cơ quan trình phải xin ý kiến.

Còn theo TS Dương Thị Thanh Mai – chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp, Dự thảo Luật hiện chưa rõ vấn đề ủy quyền lập pháp.

Vì vậy, TS Dương Thị Thanh Mai đề xuất, đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện ban hành văn bản của Quốc hội thì có thể ủy quyền cho Chính phủ hoặc cơ quan khác ban hành. Theo đó, phải có Quyết định ủy quyền nêu rõ phạm vi, mục đích, thời gian ủy quyền. Trong quá trình thực hiện, cơ quan ủy quyền phải thực hiện đúng các nội dung, có báo cáo cho cơ quan ủy quyền.

Tham gia góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, nguồn sáng kiến chính sách ở nước ta hiện nay còn hạn chế, chủ yếu từ cơ quan hành chính nhà nước, thiếu sáng kiến từ phía người dân, doanh nghiệp. Do vậy, nên có quy định để khuyến khích vấn đề này.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay một số ngành bắt đầu có nhu cầu cơ chế thí điểm chính sách nên Dự thảo Luật nghiên cứu cơ chế giao quyền cho bộ, ngành, địa phương về nội dung này.

“Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là điểm sáng về tính công khai, minh bạch trong đánh giá tác động chính sách, soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đây chính là giải pháp quan trọng để chống cài cắm lợi ích trong xây dựng pháp luật. Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) hiện nay cũng đi theo hướng này, nhưng còn thiếu các giải pháp kỹ thuật để tăng cường tính công khai, minh bạch”, ông Tuấn góp ý.

Cùng với các vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), một số ý kiến cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này, cần rõ hơn trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, cần rõ cơ chế để xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân đề xuất, xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.

Gia Nguyễn