"Điểm sáng" trong xuất khẩu
Theo dữ liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc công bố vào thứ Hai tuần này, xuất khẩu tháng 12 của Trung Quốc tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023, vượt xa dự báo tăng 7,3% trong khảo sát của Reuters. Nhập khẩu tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước sau hai tháng giảm trước đó.
Dữ liệu thương mại vượt kỳ vọng được lý giải do các nhà xuất khẩu tiếp tục tăng cường vận chuyển hàng hóa trước lo ngại về thuế bổ sung của Mỹ. Bên cạnh đó, các biện pháp kích thích kinh tế của nước này dường như đã bắt đầu hỗ trợ tiêu dùng nội địa.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng 7,1% so với năm trước, cao hơn mức tăng trưởng khiêm tốn 0,6% vào năm 2023, theo các quan chức hải quan tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai tuần này. Nhập khẩu của Trung Quốc trong năm ngoái cũng tăng 2,3%, cao hơn mức giảm 0,3% vào năm 2023.
“Chúng tôi nghĩ rằng việc tăng cường chi tiêu tài khóa, phần lớn có thể tập trung vào đầu tư, sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng và gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa công nghiệp trong những tháng tới,” Zichun Huang, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định.
Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc kéo dài đã ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, khiến Trung Quốc phải phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế kỳ vọng thương mại đã hỗ trợ đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 2024 – dữ liệu sắp được công bố.
Xuất khẩu đã trở thành điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế của Trung Quốc, giữa lúc căng thẳng thương mại với các đối tác lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu leo thang. Đáng chú ý, xuất khẩu xe điện và chất bán dẫn của Trung Quốc đã tăng lần lượt 13,1% và 18,7% trong năm ngoái.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có thể bị đe dọa khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump quay lại Nhà Trắng. Ông đã cam kết áp thêm 10% thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Kỳ vọng vào các biện pháp kích thích
Từ cuối tháng 9/2024, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy nền kinh tế khi tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên theo ông Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành tại Teneo, quốc gia này vẫn còn thận trọng và kiềm chế trong việc tung ra các chính sách kích thích kinh tế.
Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất chính sách, nới lỏng các hạn chế mua bất động sản, bơm thanh khoản vào thị trường tài chính và công bố chương trình hoán đổi nợ để giảm bớt áp lực tài khóa cho các chính quyền địa phương.
“Mặc dù các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc nhận ra nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình dường như vẫn ngần ngại triển khai các biện pháp kích thích bổ sung cần thiết để đối phó với tình trạng giảm phát,” ông Wildau nhận định.
“Các nhà hoạch định chính sách cần giữ lại một số công cụ kích thích để có thể phản ứng mạnh mẽ nếu tác động từ thuế quan trở nên nghiêm trọng,” ông Wildau nói và gợi ý rằng sự bất định về tăng trưởng xuất khẩu tạo thêm lý do để Bắc Kinh tránh một “cách tiếp cận kích thích lớn.”
Trong số các dữ liệu kinh tế quan trọng sẽ được công bố trong tuần này, Trung Quốc dự kiến sẽ công bố số liệu GDP quý IV/2024 và cả năm 2024 vào thứ Sáu tuần này. Tăng trưởng GDP quý IV/2024 của Trung Quốc được dự báo đạt 5,1% so với cùng kỳ năm trước, theo khảo sát của Reuters.
Năm 2025, chính phủ Trung Quốc đã cam kết ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đồng thời tăng chi tiêu tài khóa để tài trợ cho chương trình đổi mới hàng tiêu dùng và nâng cấp thiết bị. Chương trình này, được triển khai vào tháng 7 năm ngoái, trợ giá cho người tiêu dùng đổi xe hơi hoặc đồ gia dụng cũ để mua mới với mức giảm giá ưu đãi.
Nam Trần