german_main_1440x800.jpg

Kinh tế Đức đối mặt nguy cơ lớn trong 2025

Đức suy thoái 2 năm liên tiếp

Sản lượng của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã giảm 0,2% vào năm 2024 sau khi đã giảm 0,3% vào năm 2023, đánh dấu suy giảm 2 năm liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2003, theo Cơ quan thống kê liên bang Đức công bố hôm thứ Tư tuần này.

Diễn biến đáng lo ngại này nhấn mạnh thách thức mà chính phủ mới của Đức sẽ phải đối mặt sau cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 2/2025, nổi bật là khả năng áp đặt các thuế quan mới đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, đồng minh lâu năm của Đức.

"Sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với hàng xuất khẩu của Đức tại các thị trường quan trọng, chi phí năng lượng cao, lãi suất tăng cao và triển vọng kinh tế không chắc chắn đã cản trở tăng trưởng", Chủ tịch Cơ quan thống kê liên bang Đức cho biết.

Nền kinh tế Đức từng là một câu chuyện thành công trong một thập kỷ rưỡi, phát triển nhanh hơn các quốc gia châu Âu khác khi cung cấp máy móc và công cụ cho các nhà máy ở Trung Quốc bằng nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga.

Tuy nhiên, kinh tế Đức bắt đầu chững lại vào năm 2018, năm mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận xu hướng bảo hộ gia tăng trên toàn cầu bằng cách tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác, bao gồm cả Liên minh châu Âu. Đồng thời, các nhà xuất khẩu Đức phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao mà trước đây họ từng thống trị.

Nền kinh tế Đức còn chịu thêm một cú sốc khi quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 bị cản trở bởi sự gia tăng đột ngột chi phí năng lượng sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ.

Tính đến tháng 11/2024, sản lượng công nghiệp của Đức thấp hơn 15% so với mức đỉnh cao năm 2017. Đồng thời, những cú sốc lạm phát trong năm 2023 đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Ngành công nghiệp ô tô, vốn hỗ trợ hàng trăm nghìn việc làm tại Đức, cũng không thể chuyển đổi sang sản xuất xe điện nhanh chóng như các đối thủ ở Mỹ và Trung Quốc. Nhiều việc làm sẽ bị cắt giảm tại tập đoàn Volkswagen cũng như các nhà sản xuất phụ tùng như Bosch và Schaeffler.

Ngoài ngành công nghiệp ô tô, Intel đã hoãn xây dựng một nhà máy chip, trong khi kế hoạch sáp nhập giữa ngân hàng lớn thứ hai của Đức, Commerzbank, và UniCredit của Italia đang vấp phải sự phản đối của chính phủ.

GDP của Đức đã không tăng kể từ cuối năm 2019, trong khi GDP khu vực đồng euro tăng trưởng 5% và kinh tế Mỹ mở rộng 11%, theo Goldman Sachs.

Nền kinh tế Đức cũng thu hẹp trong ba tháng cuối năm 2024, và hiệu suất ảm đạm dự kiến sẽ kéo dài. Ngân hàng Trung ương Đức, Bundesbank, dự báo tăng trưởng GDP của Đức là 0,2% trong năm 2025, trong khi một số tổ chức khác còn bi quan hơn. Viện Kinh tế Thế giới Kiel dự đoán nền kinh tế Đức sẽ đình trệ trong năm nay.

“Không ai nên ngạc nhiên khi kinh tế Đức tiếp tục suy giảm vào năm 2024. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên và đáng lo ngại là sản lượng kinh tế có khả năng đã giảm trong quý IV,” Robin Winkler, nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank tại Đức, cho biết và nhấn mạnh nếu điều này được xác nhận, nền kinh tế Đức sẽ mất đà thêm nữa vào đầu mùa đông năm nay.

Hiện nay, những mối đe dọa áp đặt thuế nhập khẩu từ chính quyền Trump sắp tới có thể kéo lùi thêm nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức. Các mức thuế này có thể làm giảm GDP của Đức từ 0,6 đến 1,2 điểm phần trăm, theo Goldman Sachs.

Tổng thống đắc cử Donald Trump có thái độ không mấy tích cực với ESG (Ảnh: NBC)
Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần đe dọa áp thuế lên cả những đồng minh như Đức (Ảnh: NBC)

Chờ chuyển biến kinh tế từ chính phủ mới

Kinh tế đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân Đức khi cuộc bầu cử quốc gia đang đến gần. Sự kỳ vọng đang dồn vào khả năng chuyển đổi của chính phủ mới, với hy vọng kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn trong giai đoạn sắp tới.

Friedrich Merz, ứng viên tiềm năng của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU), được dự đoán sẽ mang đến một làn gió mới cho nền kinh tế Đức. Ông Merz và đội ngũ của mình có thể nới lỏng quy định về chi tiêu công, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư chiến lược như cơ sở hạ tầng và quốc phòng.

Thilo Brodtmann, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc và thiết bị Đức (VDMA), kêu gọi chính phủ mới đặt niềm tin nhiều hơn vào thị trường tự do và giảm thiểu các quy định hành chính rườm rà. Điều này có thể giúp Đức cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến duy trì lãi suất thấp trong năm nay sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong khi đó, các chính sách thương mại quốc tế, nếu được điều chỉnh hợp lý, có thể mở ra cơ hội xuất khẩu lớn hơn cho nền công nghiệp Đức.

Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đến từ sự phân mảnh chính trị trong Quốc hội Đức nếu không có đảng nào đạt được đa số. Các đảng cực hữu hoặc cực tả cũng có thể gây cản trở quá trình thực thi chính sách kinh tế.

Nam Trần