Số liệu của Forbes cho thấy, tỷ phú Trần Đình Long (1961), chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tiếp tục duy trì vững chắc vị trí giàu số 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam và lần đầu tiên lọt top 1.000 tỷ phú giàu nhất trên thế giới, với tổng tài sản đạt 3,2 tỷ USD.
Trong khi đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nằm trong top 500 người giàu nhất hành tinh với tài sản 6,1 tỷ USD.
Tỷ phú Trần Đình Long lọt top 1.000 cho dù cổ phiếu HPG giảm khá nhiều so với đỉnh cao lịch sử ghi nhận hồi cuối 2021. Trong khoảng 1 tháng qua, HPG hồi phục khá mạnh từ mức 40.000 đồng/cp lên mức 47.000 đồng/cp như hiện tại. Hồi tháng 11/2021, HPG ở mức 58.000 đồng/cp.
Ông Trần Đình Long vào danh sách những tỷ phú giàu nhất hành tinh của Forbes kể từ 2018 và cuối 2020 vượt qua CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành người giàu thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Long bứt phá kể từ khi HPG bước chân vào lĩnh vực thép xây dựng năm 2000. HPG lớn mạnh kể từ đó và liên tục ghi nhận sản lượng và thị phần thép tăng mạnh. Trong tháng 1/2022, HPG ghi nhận sản lượng thép xây dựng bán tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên trên 380 nghìn tấn; xuất khẩu thép cũng tăng gấp 3 lần.
Thị phần thép xây dựng Hòa Phát tại Việt Nam tăng gần 6% trong vòng một năm lên 36,3%. Trong khi thép xuất khẩu chiếm 50% toàn ngành.
|
|
Ông trùm ngành thép có thể tiếp tục tăng sản lượng thép và xuất khẩu trong vài năm tới sau khi doanh nghiệp này vừa được cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án Hòa Phát Dung Quất 2, với tổng mức đầu tư 85 nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối 2024.
Gần đây, nhóm cổ phiếu thép tăng mạnh bất chấp thế giới biến động vì cuộc chiến Nga - Ukraine. Nhóm cổ phiếu thép được cho là được hưởng lợi từ căng thẳng tại Ukraine.
Các cổ phiếu như Thép Nam Kim (NKG), Thép Tiến Lên (TLH), Tôn Hoa Sen (HSG), Thép SMC... đồng loạt tăng trần trong những phiên gần đây.
Theo BSC, Nga là nước xuất thép rất lớn, đứng thứ hai trong số các nhà xuất khẩu vào EU.
Cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến phương Tây trong đó có Mỹ và EU dồn dập đưa ra các lệnh trừng phạt lên Nga và Belarus. Dự kiến xuất khẩu thép của hai nước vào EU sẽ tụt giảm, qua đó tạo ra sự thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất thép của các nước khác trên thế giới.
Theo VNDirect, Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới với cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất thép lớn, trong bối cảnh Trung Quốc giảm sản lượng với nhiều chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép nước này.
Các doanh nghiệp thép được hưởng lợi khi trong nước nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tăng rất mạnh. Tại Mỹ, Ấn Độ và nhiều nước khác cũng đẩy mạnh chi tiêu công vào cơ sở hạ tâng và dự kiến sẽ tiêu thụ mạnh thép.
Trong một báo cáo mới của Knight Frank, số lượng người siêu giàu của Việt Nam đang gia tăng mạnh và sẽ tiếp tục bứt phá. Số người có tài sản trên 30 triệu USD (khoảng 680 tỷ đồng) ở Việt Nam sẽ vượt mốc 1.500 vào 2026.
Thị trường phân hóa
Theo MBS, thị trường vẫn nằm trong xu hướng đi ngang kéo dài từ đầu tháng 2 đến nay với dùng dao động từ 1.471 điểm đến 1.500 điểm. MBS cho rằng, thị trường đang có sự phân hóa khi các nhóm cổ phiếu dẫn dắt lần lượt được luân phiên sử dụng. Với diễn biến đi ngang như hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế chiến lược lướt sóng, các phiên điều chỉnh vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục và tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, dầu khí, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công,…
Theo VDSC, mặc dù thị trường có động thái hồi phục trong phiên hôm 1/3, nhưng vẫn chưa thể vượt được cản 1.500 điểm của VN-Index. Thanh khoản tăng so với phiên trước và VN-Index lùi dưới 1.500 điểm cho thấy nhà đầu tư vẫn đang tranh thủ chốt lời tại vùng cản tâm lý này. Diễn biến nhóm VN30 có phần thận trọng hơn, mặc dù có nỗ lực hỗ trợ của cổ phiếu VIC. Dự kiến, thị trường vẫn ở trong trạng thái thận trọng và thăm dò cung cầu trong thời gian tới.
Chốt phiên giao dịch 1/3, chỉ số VN-Index tăng 8,65 điểm lên 1.498,78 điểm. HNX-Index tăng 3,14 điểm tăng 443,56 điểm. Upcom-Index tăng 0,186 điểm lên 112,38 điểm. Thanh khoản đạt 31,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 26,3 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
V. Hà
Theo vietnamnet