Khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy không chỉ ở thành phố lớn mà ngay ở nông thôn, miền núi mặt hàng xăng sinh học E5 (E5 RON 92) cũng chưa được người tiêu dùng để mắt đến.
Chiết khấu thấp, tiêu thụ giảm
Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái, cho biết tình hình tiêu thụ xăng E5 rất chậm, kém xa xăng RON 95. Nếu một ngày, công ty xuất bán hơn 500 m3 xăng RON 95, thì xăng E5 chỉ bán được 50-60 m3.
Người dân mua chủ yếu phục vụ làm nhiên liệu cho máy cắt, phát cỏ làm rẫy, hay cho các loại xe máy đời cũ. Sắp tới, nếu tiêu thụ vẫn ế ẩm, DN có thể cân nhắc việc dừng bán xăng E5.
Khảo sát ở TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động cũng ghi nhận nhiều cây xăng đã ngưng kinh doanh xăng E5 từ nhiều năm trước. Hiện chỉ còn các cửa hàng của Petrolimex duy trì 1-2 trụ bơm xăng E5. Theo quan sát, chỉ một số khách hàng nam chọn đổ xăng E5 cho xe đời cũ hoặc để có giá rẻ hơn, còn khách hàng nữ và những người đi xe đời mới đều chọn xăng Ron 95.
Ông Lê Đăng Trình, kinh doanh 2 cây xăng tại Gò Vấp và Tân Phú (TP HCM), cho biết trước đây, khi nhà nước phát động phong trào bán xăng E5, ông cũng trang bị trụ bơm, bể chứa để kinh doanh loại xăng này. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, ông quyết định ngưng bán xăng E5 vì lượng bán ngày càng giảm.
Tương tự, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai, cho biết công ty có hơn 30 cây xăng tại nhiều tỉnh thành. Trước đây, mỗi trạm đều được trang bị 1 trụ bơm xăng E5 nhưng chỉ sau 1 năm kinh doanh, công ty phải ngưng đồng loạt vì không hiệu quả thậm chí lỗ do nguồn hàng tồn quá lớn (mỗi trụ bơm xăng E5 có bồn chứa 5.000 lít).
Lý giải lý do xăng E5 không được ưa chuộng, đại diện một DN phân phối xăng dầu cho biết giá xăng E5 và RON 95 không chênh nhau quá nhiều nên chủ cửa hàng xăng dầu và người dân ở cả vùng nông thôn cũng không mặn mà. Vì vậy lượng bán E5 tụt dần đều hằng năm.
Ở góc độ quản lý, ông Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TP HCM, cho biết TP HCM có hơn 500 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Giai đoạn cao điểm của năm 2018-2019, xăng E5 chiếm khoảng 25%-26% tổng lượng tiêu thụ xăng trên địa bàn. Đến nay, tỉ lệ này đã giảm hơn phân nửa, chỉ còn khoảng 8%-10%.
"Do doanh thu từ kinh doanh xăng E5 thấp hơn xăng khoáng RON95, chiết khấu cũng thấp, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu bị tồn kho xăng E5 lâu ngày, tỉ lệ hao hụt cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN, cửa hàng xăng dầu. Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã ngưng bán xăng E5, chỉ còn lại số ít cửa hàng thuộc hệ thống Petrolimex, Saigon Petro... còn duy trì kinh doanh" - ông Y thông tin.
Không có động lực tuyên truyền, giới thiệu
Theo ông Y, xăng E5 không được người tiêu dùng quan tâm do trước đó đã xuất hiện nhiều nghi vấn về chất lượng. Giới kinh doanh cũng không quan tâm do khách hàng chuộng xăng RON95 và chênh lệch với xăng E5 cũng không nhiều nên cửa hàng không có động lực tuyên truyền, giới thiệu dòng xăng sinh học.
"Cần phải có cơ chế, chính sách khuyến khích kinh doanh, tiêu thụ xăng E5. Trong đó, bao gồm chính sách về thuế, tín dụng cho nhà đầu tư nhà máy sản xuất Ethanol (xăng E5 được pha chế từ 95% xăng A92 và 5% Ethanol khan), chính sách thuế cho tiêu thụ xăng E5 để người kinh doanh đưa vào bán. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tính an toàn, tiết kiệm, hiệu quả của xăng E5 để dần thay đổi hành vi tiêu dùng, chủ động chọn đổ xăng sinh học" - ông Y nêu quan điểm.
Theo cẩm nang sử dụng xăng E5RON92, xăng sinh học là hỗn hợp của xăng không chì truyền thống (RON92, theo tiêu chuẩn Euro 2) và cồn sinh học (bio-ethanol) chỉ chiếm 5%. Một số DN cho rằng nhiều nước trên thế giới đã bán xăng E20-E30 như Brazil, Na Uy, Thụy Điển... hay quốc gia láng giềng như Thái Lan bán xăng E20 và E80, tỉ lệ Ethanol càng cao, càng tốt cho môi trường.
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết sắp tới, hiệp hội sẽ đẩy mạnh triển khai chuyển dịch kinh doanh và sử dụng năng lượng theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng về tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5).
Theo ông Khanh, vừa qua hiệp hội đã làm việc với Hiệp hội Ngũ cốc của Mỹ và một số hiệp hội có liên quan để bàn giải pháp nghiên cứu, hợp tác, từ đó đề nghị với cơ quan quản lý tổ chức kinh doanh xăng E10, B10.
"Tại hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất và tiêu dùng năng lượng theo hướng bảo vệ môi trường, sử dụng nhiên liệu xanh" - ông Khanh nhấn mạnh và đề nghị cơ quan quản lý cần phải quyết liệt đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi để thay đổi hành vi tiêu dùng và nhận thức của người dân và toàn xã hội.