Sau Covid, thị trường nhượng quyền thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ.

Nhượng quyền tại các quốc gia châu Á đã đi trước Việt Nam 20-30 năm

Công ty nghiên cứu thị trường Technavio dự đoán tổng giá trị thị trường nhượng quyền toàn cầu tăng từ 2.900 tỷ USD năm 2023 lên 4.300 tỷ USD đến năm 2027. Đây là tỷ lệ tăng đột biến hơn 48% chỉ trong vòng 4 năm, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm ở mức 9,58%. Trong khi đó, tính về mức độ tăng trưởng trong vòng 7 năm trước đó (2017 đến 2023), tỷ lệ tăng trưởng chỉ ở mức 20,8%.

Nguyên nhân chính giúp cho ngành phát triển mạnh mẽ là sau Covid, các kênh đầu tư rủi ro cao không còn phù hợp. Nhà đầu tư thận trọng hơn, mở rộng kênh đầu tư mới và cũng hiểu hơn về sức mạnh phát triển bền vững của thương hiệu. Do đó, nguồn đầu tư từ bất động sản, tiền ảo, chứng khoán, trái phiếu được chia sẻ sang cho kênh đầu tư nhượng quyền, được xem là kênh có mức độ rủi ro thấp hơn nhiều.

Bên cạnh đó, việc sa thải lao động hàng loạt do nhu cầu tái cấu trúc của các tập đoàn lớn sau Covid cũng tạo ra một làn sóng lao động chuyên nghiệp không tìm được việc làm và vì vậy chuyển hướng sang nhượng quyền để tự vận hành việc kinh doanh của riêng mình, biến đó thành sinh kế lâu dài hoặc bổ trợ trong khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng về việc làm toàn cầu.

Đương nhiên trong diễn biến chung đó của ngành trên toàn cầu, thị trường nhượng quyền tại tất cả các quốc gia đều phát triển sôi nổi, đặc biệt là thị trường các nước đang phát triển với tỷ lệ tăng trưởng GDP tốt như Việt Nam.

“Năm 2024 là năm chứng kiến nhiều hoạt động xúc tiến tìm nhà đầu tư nhượng quyền tại Việt Nam từ các thị trường Nhật, Hàn quốc, Đài loan, Trung quốc, Malaysia và Singapore. Việt Nam, với thị trường đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về dân số chỉ sau Indonesia và Philippines đương nhiên trở thành thị trường mục tiêu của tất cả các thương hiệu nhượng quyền quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu châu Á”, thông tin được ghi nhận tại VietRF 2024 - Triển lãm Quốc tế Công nghệ cửa hàng và Nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam do COEX và Retail & Franchise Asia đồng tổ chức. VietRF 2024 có sự tham gia của 250 thương hiệu từ 15 quốc gia.

So với Việt Nam, các quốc gia có ngành này phát triển trong khu vực châu Á đã đi trước 20-30 năm và vì vậy đã tạo ra nhiều thương hiệu và mô hình chuẩn để xuất khẩu sang Việt Nam. Việt Nam là một thị trường còn non trẻ, theo các chuyên gia hiện nay vẫn còn đang học hỏi và tiếp nhận để có thể ứng dụng mô hình vào việc phát triển mô hình và thương hiệu nội địa.

Ngành nhượng quyền Việt Nam: Còn 'non xanh' và 2 huyệt tử cần tránh- Ảnh 1.

Ảnh: Quy mô thị trường nhượng quyền tại các nước.

Nhượng quyền tại Việt Nam: Tất cả chỉ là sự khởi đầu!

Chia sẻ với chúng tôi, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân cho biết nhượng quyền là một trong những hình thức xuất khẩu mô hình và thương hiệu thành công nhất trên thế giới, đặc biệt là cách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hiệu quả nhất, được nhiều chính phủ trên thế giới quan tâm vì tỷ lệ đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia, tại nhiều quốc gia từ 3 đến 12%.

Theo báo cáo của Tổ chức nhượng quyền thế giới WFC, một số quốc gia Châu Á Thái Bình dương hiện có ngành nhượng quyền đóng góp cao nhất vào GDP quốc gia gồm Úc, New Zealand, Hàn quốc, Philippines, Nhật, Indonesia, Malaysia, và Ấn độ.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngành nhượng quyền đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia quan tâm xây dựng kinh tế tri thức, vì nhượng quyền là hình thức xuất khẩu trí tuệ với giá trị cao nhất.

Nhượng quyền & cấp phép (licensing) cũng là hình thức được các doanh nghiệp công nghệ sử dụng nhiều nhất để tăng tốc phát triển nhanh ra thị trường toàn cầu.

Do đó, để phát triển kinh tế sáng tạo, ngành nhượng quyền và cấp phép chính là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn và nguồn lực.

“Tuy nhiên, nhượng quyền và cấp phép là ngành còn rất mới tại Việt Nam. Số lượng thương hiệu Việt Nam thật sự đã nhượng quyền theo hình thức nhượng quyền độc quyền quốc gia ra quốc tế còn đếm trên đầu ngón tay và gần như chưa có thương hiệu nào nhượng quyền quốc tế đủ lâu để có thể được xem là thành công. Tất cả chỉ là sự khởi đầu”, bà Phi Vân nói.

Do đó, dư địa thị trường còn rất lớn và là cơ hội cho tất cả các thương hiệu Việt Nam đang mang trên mình giấc mơ quốc tế hoá. Không chỉ là cách tốt nhất để tăng tốc quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhượng quyền chính là kênh phát triển doanh thu và giá trị thương hiệu cho tất cả các công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam, đặc biệt trong ngành sản xuất, nông nghiệp, và bán lẻ.

Ngành nhượng quyền Việt Nam: Còn 'non xanh' và 2 huyệt tử cần tránh- Ảnh 2.

Ảnh: Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân.

Doanh nghiệp Việt Nam và 2 “huyệt tử” trong nhượng quyền

Vì Việt Nam là thị trường nhượng quyền còn quá non xanh, bà Phi Vân cho biết nên đang tồn tại 2 vấn đề có thể xem là huyệt tử trong nhượng quyền thành công. Cụ thể:

+ Thứ nhất là doanh nghiệp nhượng quyền chưa hiểu đúng và xây dựng nền tảng nhượng quyền đủ chuyên nghiệp để hỗ trợ nhà đầu tư tham gia nhượng quyền.

+ Thứ hai là cũng vì nhượng quyền còn quá mới nên rất nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết về ngành, không hiểu đúng và hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình, dễ dàng dẫn đến những mâu thuẫn không cần thiết trong hợp tác.

Vì vậy, doanh nghiệp muốn và đang nhượng quyền cần phải thận trọng và làm tốt 3 điều khi nhượng quyền tại thị trường Việt Nam. Trong đó, trước hết là phải đầu tư xây dựng hệ thống nhượng quyền bài bản, không nên làm đại làm càng, học lóm, làm sai tới đâu sửa tới đó.

Tiếp đến là doanh nghiệp cần thận trọng trong việc lựa chọn đối tác phù hợp và không bao giờ vì khao khát mở rộng nhanh mà ký kết với bất kỳ ai đang có tiền và có ý định đầu tư. Nhượng quyền không phải là kênh đầu tư dành cho tất cả mọi người. Muốn đầu tư nhượng quyền thành công phải là nhà đầu tư có hiểu biết về ngành.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần tự phát triển và mở rộng thị trường Việt Nam song song với nhượng quyền, không nên chỉ xem nhượng quyền là kênh phát triển duy nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù có hay không phát triển nhượng quyền tại Việt Nam thì doanh nghiệp cũng nên đưa nhượng quyền vào chiến lược phát triển và mở rông thị trường quốc tế. Nhượng quyền là một trong những hình thức phát triển thương hiệu mang đến thành công tốt nhất cho doanh nghiệp Việt.

Một trong những trường hợp nhượng quyền cực thành công và thậm chí trở thành “mối lo ngại” cho các nhãn hàng địa phương là Mixue. Nói về rủi ro một thương hiệu ngoại “lấn át” nhờ nhượng quyền và bành trướng quá nhanh, chuyên gia thẳng thắn: “Đây là chuyện đương nhiên của kinh tế tri thức. Ai học được cách và vận dụng được mô hình phát triển quốc tế hiệu quả thì người đó thắng”.

Bà Phi Vân bày tỏ, thay vì trách cứ tại sao họ lấn át và chiếm lĩnh thị trường của mình thì doanh nghiệp Việt nên học cách học nhanh hơn, ứng dụng bài bản hơn và lớn nhanh hơn để có thể chiếm lại thị trường nội địa cũng như cạnh tranh được với thương hiệu của họ tại thị trường quốc tế.

Theo Tri Túc - Nhịp sống thị trường