Nghị định 179/2024/NĐ-CP tập trung vào ba nhóm đối tượng cụ thể:
Nhóm cán bộ, công chức, viên chức có tài năng: Đây là nhóm nhân sự hiện có trong khu vực công, với kỳ vọng được xác định dựa trên năng lực vượt trội và khả năng đóng góp hiệu quả vào hoạt động quản lý nhà nước.
Nhóm sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ tài năng: Đối tượng này dễ dàng nhận diện qua thành tích học tập nổi bật hoặc các công trình khoa học được công bố.
Nhóm chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành: Nhóm này bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài, dựa trên kinh nghiệm và thành tựu trong lĩnh vực chuyên môn.
Để thu hút các đối tượng trên, nghị định đưa ra 6 chính sách nổi bật, như:
Thứ nhất, ưu tiên tuyển dụng: Người có tài năng sẽ được tạo điều kiện tham gia các quy trình tuyển dụng đặc biệt, rút gọn và ưu tiên hơn so với quy trình thông thường.
Thứ hai, trợ cấp thu hút ban đầu sau tuyển dụng: Nhằm hỗ trợ người có tài năng nhanh chóng ổn định cuộc sống, Nghị định quy định mức trợ cấp tài chính đặc biệt khi họ gia nhập khu vực công.
Thứ ba, chính sách đào tạo và bồi dưỡng: Sau khi tuyển dụng, người có tài năng sẽ được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm phát huy tối đa năng lực.
Thứ tư, chính sách ưu tiên trong bố trí, sử dụng sau tuyển dụng. Sau khi tuyển dụng, người có tài năng sẽ được ưu tiên phân công vào các vị trí công tác phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm, và thế mạnh cá nhân, giúp họ phát huy tối đa năng lực. Với những người có tài năng và khả năng quản lý, Nghị định mở ra cơ hội được xem xét, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo hoặc quản lý khi đủ điều kiện.
Thứ năm, chính sách ưu tiên đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành. Chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, và nhà khoa học đầu ngành được hưởng quy trình tuyển dụng linh hoạt, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xét duyệt so với quy trình thông thường.
Thứ sáu, chính sách hỗ trợ đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài. Chính sách này sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động và giấy phép cư trú dài hạn. Tạo điều kiện thuận lợi để định cư lâu dài đối với những cá nhân có nguyện vọng làm việc tại Việt Nam. Những đóng góp xuất sắc của cá nhân được vinh danh và công nhận tại các sự kiện quốc gia. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm lợi ích lâu dài từ các công trình hoặc sáng kiến của họ.
Những chính sách này không chỉ thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường làm việc, mà còn là lời khẳng định rằng tài năng thực sự sẽ được trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng.
Đây là một động thái rất tích cực khi Chính phủ không chỉ nhìn nhận đúng tầm quan trọng của nhân tài, mà còn cụ thể hóa chính sách bằng các điều kiện và quyền lợi rõ ràng. Mức thu nhập hấp dẫn, cùng với các chính sách hỗ trợ thiết thực, không chỉ giúp thu hút và giữ chân nhân tài mà còn tạo ra động lực làm việc tích cực. Quan trọng hơn, khi đời sống của cán bộ, công chức được đảm bảo, các yếu tố tiêu cực như tham nhũng, nhũng nhiễu sẽ giảm thiểu. Điều này không chỉ giúp xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, minh bạch mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của xã hội.
Thế nhưng, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, việc triển khai cần đảm bảo công bằng, minh bạch và tránh những yếu tố cảm tính, thiên vị trong đánh giá, lựa chọn nhân tài. Có như vậy, Nghị định mới thực sự phát huy được giá trị và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, việc xác định và đánh giá nhân tài trong khu vực công luôn là một thách thức lớn, đặc biệt đối với nhóm cán bộ, công chức, viên chức. Trong khi sinh viên xuất sắc hay nhà khoa học trẻ có thể dựa vào những thước đo định lượng như điểm số, giải thưởng, hay công trình nghiên cứu được công bố, thì với cán bộ, công chức, các tiêu chí thường mang tính định tính, khó lượng hóa một cách chính xác.
Thành tích công việc của cán bộ công chức thường gắn liền với các nhiệm vụ hành chính hoặc công việc mang tính chất hỗ trợ, đôi khi khó tách bạch giữa cá nhân và tập thể. Việc đánh giá dựa trên tiêu chí “tài năng” có nguy cơ trở nên chủ quan hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cảm tính, chẳng hạn như quan hệ cá nhân, sự yêu ghét, hoặc cả các yếu tố mang tính chính trị.
Hơn nữa, nếu không có một quy trình minh bạch và những thước đo rõ ràng, việc đánh giá có thể vô tình bỏ sót những cá nhân thực sự có năng lực, đồng thời tạo điều kiện cho những người không xứng đáng lợi dụng chính sách.
Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng một hệ thống tiêu chí cụ thể, gắn với kết quả công việc, khả năng giải quyết vấn đề và năng lực lãnh đạo. Đồng thời, cần áp dụng các công cụ hiện đại, hệ thống KPI minh bạch và các hội đồng đánh giá độc lập để đảm bảo tính công tâm và khách quan trong quá trình xét duyệt.
Hiện tại, việc tiêu chí đánh giá tài năng còn chung chung và thiếu cụ thể, là một lỗ hổng đáng lo ngại trong quá trình triển khai chính sách. Khi các tiêu chí không được định lượng rõ ràng, việc đánh giá dễ rơi vào cảm tính, phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của người thực thi. Điều này không chỉ làm mất đi tính minh bạch mà còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra bất công, dẫn đến việc bỏ sót những cá nhân thực sự có năng lực và chọn sai đối tượng.
Đặc biệt trong môi trường khu vực công, nơi các mối quan hệ cá nhân hay lợi ích nhóm đôi khi chi phối mạnh, sự thiếu khách quan có thể khiến chính sách bị lợi dụng, làm mất đi mục tiêu tốt đẹp ban đầu. Có thể khiến nhân tài nản lòng, trong khi những người thiếu năng lực nhưng khéo léo trong quan hệ lại được ưu ái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đội ngũ nhân sự công.
Có thể khẳng định, việc chính sách có phát huy hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực và sự công tâm của những người thực thi, đặc biệt là các nhà quản lý và lãnh đạo.
Người đứng đầu cần có đủ tầm để nhận ra giá trị thực sự của nhân tài, và đủ tâm để công tâm trong đánh giá, không thiên vị hay bị chi phối bởi những yếu tố ngoài chuyên môn. Quan trọng hơn, họ phải đủ dũng cảm để sử dụng những người có năng lực thực sự, ngay cả khi những người đó không nằm trong vòng quan hệ thân quen hay không giỏi "xu nịnh".
Chỉ khi người thực thi giữ vững nguyên tắc minh bạch và công bằng, cộng với quyết tâm sử dụng đúng người, đúng việc, thì chính sách mới có thể tạo ra sự chuyển biến tích cực, thực sự thu hút và trọng dụng được nhân tài, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nghị định 179/2024/NĐ-CP mang đến một kỳ vọng lớn về việc cải cách bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng nhân sự công và giữ chân những người có tài năng. Tuy nhiên, chính sách này chỉ có thể thành công khi được thực thi đúng cách và hiệu quả, chứ không chỉ đơn thuần là những quy định được ghi trên giấy tờ.
Minh Phong