Giữa tháng này, công ty cổ phần Hi1 Việt Nam chính thức ra mắt sàn thương mại điện tử Hi1. Họ tuyên bố đây là nền tảng F2C (Factory to Consumer) đầu tiên tại Việt Nam. Mô hình F2C sẽ giúp kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng cuối mà không qua trung gian.
Ra mắt mô hình F2C đầu tiên
Hi1 khá chịu chơi khi tuyên bố không thu phí nhà bán lẻ. Đây có lẽ là một điểm cộng và điểm khác biệt lớn của sàn TMĐT này, bởi vì hầu như mọi nền tảng online hiện nay đều thu phí hoa hồng người bán với tỷ lệ không hề thấp chút nào. Trong thời gian tới, Hi1 dự kiến mở rộng hợp tác với các nhà sản xuất trên cả nước và triển khai các chương trình ưu đãi nhằm gia tăng trải nghiệm người dùng.
Vì là sàn theo mô hình F2C, nên Hi1 sẽ giúp giảm thiểu tối đa chi phí ở các khâu trung gian. Khách hàng cuối có thể được sử dụng sản phẩm chất lượng với giá rẻ mà nhà sản xuất cũng có được lợi nhuận cao hơn.
Trước đây, ý tưởng F2C giống như một nhiệm vụ bất khả thi. Bởi vì một nhà sản xuất khó có thể có đủ nguồn lực để ôm đồm mọi khâu, từ nghiên cứu sản nghiên cứu sản phẩm, sản xuất, phân phối, bán lẻ, chăm sóc khách hàng, khuyến mãi, hậu mãi. Nếu có, cũng cần số vốn lớn và phải xây dựng qua hàng chục năm.
Thế nhưng giờ đây, nhờ sự phát triển và phổ biến của các công cụ quảng cáo như Facebook Ads, Google Ads hoặc các kênh quảng cá như mạng xã hội, website, các nhà sản xuất có thể tiếp cận đến lượng lớn khách hàng mà không gặp phải khó khăn như trước.
Ngoài ra, hệ thống tiếp vận ngày càng hiện đại cũng là một trong những động lực giúp F2C vươn mình. Nhà sản xuất hoàn toàn có thể đăng ký đối tác với một bên vận chuyển nào đó, lên đơn online và chủ động theo dõi khâu vận chuyển.
F2C mang trong mình những lợi ích mà bất kỳ nhà kinh doanh và người tiêu dùng nào cũng mong đợi. Quan trọng nhất là phản ứng nhanh nhạy với thị trường và đáp ứng thị hiếu khách hàng. F2C đồng nghĩa với nhà sản xuất làm việc trực tiếp với khách hàng, do đó họ dễ dàng thu thập thông tin về phản hồi, thị hiếu của khách để nhanh chóng phản ứng với các nhu cầu và xu hướng thay đổi liên tục của thị trường.
Ngoài ra, F2C còn là hướng tiếp cận giúp tăng cường lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Bởi vì một khi nhà sản xuất đã trực tiếp dựa vào nhu cầu của khách hàng, thì họ càng dễ khiến khách hàng thỏa mãn và yêu thích sản phẩm cũng như nhà sản xuất hơn.
Mặc dù vậy, như bất kỳ mọi thứ khác, F2C cũng ẩn chứa những rủi ro tiềm ẩn.
Rủi ro lớn nhất là sự phức tạp. Tuy các nhà sản xuất có thể dựa vào các công cụ đơn giản, dễ tiếp cận hiện nay để tiếp cận và bán sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, nhưng việc quản lý cả một dây chuyền từ sản xuất đến hậu mãi vẫn là công trình đồ sộ và đòi hỏi nguồn tài lực, nhân lực nhất định.
Bên cạnh đó, khi làm việc trực tiếp và phụ thuộc quá nhiều vào khách hàng cuối, nhà sản xuất có thể không còn giữ được tầm nhìn dài hạn cho các sản phẩm của mình, khiến chúng dần mất đi bản sắc đặc trưng.
Những người tiên phong
Tồn tại song song cả ưu và nhược điểm là chuyện thường tình trong kinh doanh. Điều quan trọng là biết khai thác ưu điểm và hạn chế hết mức nhược điểm. Và đã có nhiều cái tên làm thành công điều này trong mô hình F2C.
Điển hình nhất là Pinduoduo. Đây là sàn thương mại điện tử do bộ đôi Colin Huang và Chen Lei thành lập năm 2015. Lúc mới ra mắt, Pinduoduo tập trung vào nông nghiệp, với mục đích kết nối nông dân với khách hàng cuối thông qua các trải nghiệm mua sắm tương tác như livestream. Hiện nay nền tảng này cung cấp nhiều loại sản phẩm đa dạng hơn.
Hoặc có thể kể đến thương hiệu Jiaweishi của Trung Quốc. Họ là nhà sản xuất robot hút bụi lau nhà. Khi bán hàng trực tiếp đến khách hàng, họ nhận thấy nhu cầu của khách hàng có sự khác biệt. Do đó Jiaweishi đã thiết kế lại diện mạo cũng như phần mềm bên trong, giúp sản phẩm phù hợp với khách hàng hơn.
Đây là hai trong nhiều cái tên vận dụng thành công mô hình F2C vào kinh doanh bán lẻ. F2C là một mô hình mới mẻ, phù hợp với bối cảnh khách hàng ngày càng khó tính và thị trường hay biến động hiện nay. Tuy nhiên, mặc dù khi mới ra đời ở Trung Quốc, mô hình này đã gây một tiếng vang lớn khiến các doanh nghiệp quốc tế phải chú ý đến, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều cái tên lớn trên trường quốc tế cho thấy sự thành công nổi bật với F2C. Thành thử, Hi1 nói riêng vẫn cần thời gian và nhiều điều cần chứng tỏ cho sự thành công của con đường này.
Cáp Tần