Hài hòa lợi ích

Qua hơn 30 năm mở cửa hội nhập, đổi mới và phát triển, khu vực đầu tư nước ngoài luôn được khẳng định là một bộ phận cấu thành quan trọng và đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Tại tọa đàm "Thúc đẩy kết nối khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay", do Tạp chí Cộng sản vừa tổ chức mới đây, một lần nữa, vai trò của khu vực kinh tế này được các chuyên gia kinh tế khẳng định, dù vẫn còn không ít những hạn chế cần khắc phục như ô nhiễm môi trường, chuyển giá, đầu tư núp bóng… và đặc biệt là thiếu tính kết nối với doanh nghiệp nội.

Bàn về sợi dây liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, muốn tìm ra giải pháp, phải nhìn rõ được nguyên nhân.

Chủ tịch VAFIE phân tích, mục tiêu của tất cả các doanh nghiệp khi đầu tư vào bất kỳ quốc gia nào, không chỉ riêng Việt Nam đều mong muốn tìm kiếm lợi nhuận. Cần đánh giá FDi theo lý thuyết lợi nhuận cận biên, tỷ suất lợi nhuận là yếu tố mang tính quyết định để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta.

Do vậy, không thể có việc chuyển giao công nghệ không bồi hoàn; không có chuyện các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam chỉ tìm kiếm nhà đầu tư Việt để tham gia chuỗi cung ứng của họ. Việc lựa chọn nhà cung ứng luôn dựa trên lợi ích mà cụ thể là đảm bảo tối ưu hóa lợi nhuận. Hài hòa lợi ích giữa các bên mới là cơ sở đầu tiên cho sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau.

"Xung đột lợi ích là vấn đề thường ngày của kinh tế thị trường. Nếu suy nghĩ người nước ngoài vào Việt Nam chỉ để làm giàu cho Việt Nam, làm tốt lên cho doanh nghiệp Việt Nam mà không vì lợi nhuận là ảo tưởng. Họ chỉ làm giàu cho Việt Nam khi họ có thể làm giàu cho chính họ", GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Dẫn câu chuyện của một doanh nghiệp FDI có số vốn đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết, mặc dù tổng vốn đăng ký đầu tư khá lớn, nhưng hơn một nửa trong số vốn này tích lũy được từ lợi nhuận sau quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Khi tích lũy được lợi nhuận như mục tiêu đặt ra, họ mới đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và quan tâm hơn tới việc kết nối, tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, ông đã nhiều lần khẳng định điều này với nhiều cấp lãnh đạo, đó là không thể có chuyển giao công nghệ hay liên kết giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội nếu không hài hòa được lợi ích. Doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam trước hết vì lợi nhuận, nếu không có lợi nhuận họ sẽ ra đi.

"Một tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam thường kéo theo hàng trăm nhà cung ứng của nước họ; tại sao họ phải thay thế bằng nhà cung ứng Việt Nam nếu điều đó không giúp họ giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận", TS. Vũ Đình Ánh nêu câu hỏi.

Cùng bàn về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế tham dự tọa đàm cho rằng, thắt chặt sợi dây kết nối giữa doanh nghiệp nội ngoại là mong muốn của chúng ta và là bài toán đã được đặt ra từ lâu. Nhưng đánh giá khách quan, không chỉ FDI với doanh nghiệp trong nước ít có sự kết nối mà ngay bản thân trong cùng một thành phần kinh tế cũng ít có sự liên kết, cả khu vực trong nước hay nước ngoài.

"Thậm chí trong khối doanh nghiệp FDI Hàn Quốc chỉ chơi với nhau, Nhật Bản chơi với Nhật Bản, chứ ít có chuyện Hàn Quốc chơi với Nhật Bản, chưa nói đến chuyện với doanh nghiệp Việt Nam", TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá.

Qua rồi tư duy làm thuê

Công nhân làm việc tại Samsung Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, trong hơn 30 năm mở cửa thu hút FDI, phần lớn doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc xuất hiện các nhà đầu tư lớn và yêu cầu thu hút các "đại bàng về làm tổ" là xu hướng mới, do vậy tư duy trong công tác hoạch định xây dựng chính sách cũng như xúc tiến đầu tư cũng phải khác so với 30 năm qua.

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, câu chuyện kết nối không thể chỉ dừng ở việc kêu gọi. "Tại sao phải kết nối? Ngay trong dự thảo một số tài liệu quan trọng, tư duy kết nối doanh nghiệp Việt với khu vực FDI được thể hiện vẫn là tư duy người làm thuê, trong khi lõi của sự kết nối là phải 2 chiều. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, không chỉ nước ngoài thuê doanh nghiệp trong nước mà các tập đoàn trong nước cũng đã thuê ngoài", vị chuyên gia kinh tế nói.

Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư đánh giá, việc thiếu kết nối giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước là điều cần khắc phục và được chỉ đạo rõ trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo ông, vài chục năm trước, năng lực doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa đủ sức cung ứng các sản phẩm đầu vào cho khu vực FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình, câu chuyện kết nối đặt ra theo cả hai chiều. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến và muốn được cung ứng cho các tập đoàn lớn Việt Nam, như các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan và cả doanh nghiệp châu Âu muốn cung ứng linh kiện phụ tùng cho nhà máy ô tô Vinfast.

"Nếu doanh nghiệp Việt không vươn lên, thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ thay thế họ trong việc cung ứng ngay cả cho các tập đoàn Việt, chứ không chỉ cho doanh nghiệp FDI", TS. Nguyễn Anh Tuấn nói và cho rằng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đánh giá sâu hơn về mức độ liên kết FDI với doanh nghiệp trong nước ở từng ngành, lĩnh vực, từ đó mới có chính sách thúc đẩy liên kết hiệu quả bởi sự kết nối ở những lĩnh vực khác nhau là rất khác nhau.

Bàn về vấn đề giải pháp, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần thay đổi việc thiết kế chính sách hướng tới kết nối dạng chuỗi theo cung - cầu, theo mạng sản xuất, hướng tới sản phẩm đầu ra. Việc thành lập các khu công nghiệp cũng nên mang tính chuỗi, tính tuần hoàn.

"Đặc biệt, cần phát triển các tổ chức hiệp hội ngành nghề bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tránh tình trạng như hiện nay, hội nào đứng riêng hội đó, như Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có doanh nghiệp nội, Hiệp hội VAFIE chỉ có doanh nghiệp ngoại, mỗi quốc gia lại có một hiệp hội doanh nghiệp riêng, rất thiếu sự tương tác", TS. Nguyễn Minh Phong nói.

GS-TSKH. Nguyễn Mại thì đưa ra ba lời khuyên cho doanh nghiệp Việt, đó là muốn hợp tác với các tập đoàn lớn trước hết phải tự tin, không nên tự ti bởi họ có thế mạnh nhưng họ cũng cần dựa vào những lợi thế của Việt Nam để gia tăng lợi nhuận. Thứ hai, các doanh nghiệp cần thay đổi về cơ bản theo hướng chuyển đổi số. Và cuối cùng, có thể khẳng định doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên để đáp ứng đủ các tiêu chí doanh nghiệp nước ngoài đưa ra nếu tự tin và nâng cao năng lực quản trị, chuyển giao công nghệ.

Anh Trung
Theo Nhà đầu tư