Vì vậy, mong mỏi của DN là Chính phủ có những giải pháp đồng bộ, cụ thể hơn để họ dễ tiếp cận từ đó phục hồi sản xuất, kinh doanh hướng đến vực dậy nền kinh tế.
Quá khó để vay vốn
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, một số DN cho biết hiện nay tuy Chính phủ đã có chủ trương ban hành gói hỗ trợ tài khóa nhưng thực tế vẫn chưa đi vào hiện thực. Nhiều DN cho rằng, việc thụ hưởng các nguồn vốn hỗ trợ không thuận lợi.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên - Giám đốc Công ty may Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương đánh giá: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều DN rất muốn phục hồi sản xuất nhưng gặp rất nhiều cái khó như: Chi phí nhân công cao hơn, chi phí thuế, điện, nước, ngân hàng cũng tăng, tiền thuê đất được thông báo tăng 20%. Các gói hỗ trợ DN vay 0% nhưng chưa có DN nào vay được vì quy định, thủ tục vay rất khó.
“Sẽ cạnh tranh như thế nào khi dự báo cuối năm nhiều DN không trụ vững và một trong các phương án được tính đến là cho người lao động nghỉ bớt. Chúng tôi không có cách nào cân đối giữa khối lượng công việc và số lượng lượng lao động, khả năng có việc đến đâu thì giữ lao động đến đó, phải chọn lựa lại lao động, chỉ giữ lại người giỏi, lành nghề” – vị này chỉ ra.
Đơn cử đối với ngành dệt may, năm nay sẽ phải chi 30.000 tỷ đồng cho công tác đào tạo bởi DN dệt may phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của lực lượng lao động. "Nếu người lao động tốt có thể tạo ra 900 USD/tháng. Thay vì hỗ trợ người lao động 3,6 triệu đồng thì chúng tôi dành 3 triệu đồng cho đào tạo" - ông Dương nói.
Đối với vấn đề đầu tư thiết bị, theo ông Dương, các nước khác giảm lãi suất cho DN về 0% để đầu tư cho DN nhưng ở Việt Nam vốn vay lãi suất tới 10% thì DN không thể đủ chi phí. Một vấn đề bất cập khác liên quan đến đầu tư thiết bị, theo ông Dương đó là, muốn đầu tư thiết bị phải có tiền nhưng tiền lãi vay quá lớn thì không thể có lãi để phát triển DN.
Thẳng thắn nêu quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội Nguyễn Vân chia sẻ, khi dịch Covid-19 được khống chế, điều chúng tôi mong mỏi đầu tiên là phải giữ được DN “sống”.
“Chúng tôi cần phải sống song gần như rất ít DN được hỗ trợ. Thủ tục vay và hỗ trợ tương đối khó khăn nên rất khó tiếp cận” - ông Vân nhấn mạnh. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF) Võ Việt Dũng cho biết: DN đã gặp ngân hàng để xin được giãn nợ, chứ chưa nói hưởng ưu đãi nhưng đều nhận được câu trả lời là: “Nếu giãn nợ sẽ bị giảm mức xếp hạng tín dụng và đưa vào danh sách nợ xấu. Mà nếu đưa vào danh sách nợ xấu thì chẳng khác gì không có chính sách hỗ trợ".
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam Nguyễn Đức Cường cho biết, dịch bệnh qua đi, nhưng ảnh hưởng của nó để lại cho các DN, sản xuất là rất lớn. Tuy nhiên, nếu được sự hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi, các DN có thể đầu tư kinh doanh vực dậy kinh tế cho bản thân, đóng góp vào GDP.
Những gợi mở thực tế
Để DN thụ hưởng được các gói hỗ trợ, Chủ tịch Hội Hóa chất nông nghiệp TP Hà Nội - Tổng Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam Đàm Quang Thắng đã đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, bản thân DN cũng phải tự tìm cách tồn tại. Thứ hai, để tồn tại, chúng tôi phải tự tìm nguồn sống bằng cách cắt giảm chi phí xuống mức thấp nhất có thể, đồng thời cắt giảm các hoạt động trên thị trường. Thứ ba, tìm kiếm mở rộng thị trường.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực đã đưa ra gợi ý chính sách đối với Chính phủ, nhất là chính sách tiền tệ và tài khóa với đề xuất 6 điểm cần lưu ý. Một là, chính sách tiền tệ: “Chủ động, linh hoạt và thận trọng”; Chính sách tài khóa “chặt chẽ, kỷ luật và kỷ cương”; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác (chính sách giá, thương mại…) nhằm kiểm soát lạm phát CPI dưới 4%. Hai là, đẩy mạnh xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu theo NQ 42/2017/QH14 của Quốc hội; tăng năng lực tài chính, quản lý rủi ro (chuẩn Basel 2) của các tổ chức tín dụng...
Ba là, tín dụng tăng khoảng 8 - 10%; tiếp tục định hướng ưu tiên và kiểm soát chất lượng tín dụng; tiếp tục giảm nhẹ mặt bằng lãi suất; điều hành tỷ giá linh hoạt; có kịch bản nợ xấu tăng nhanh. Bốn là, đẩy mạnh thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, cùng với đó cho vay mới (không hạ chuẩn tín dụng) đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Năm là, triển khai QĐ 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 về cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến 2020 và định hướng đến 2025; hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi; nới room tỷ trọng cho vay chứng khoán. Sáu là, thúc đẩy hội nhập; phát triển tài chính số, NH số (thanh toán không dùng tiền mặt, Mobile money, Fintech…) trong bối cảnh hậu dịch Covid-19.
"Chính phủ đã đưa ra những chủ trương, những giải pháp và đặc biệt là những gói hỗ trợ, tuy nhiên thực tế cho thấy phần lớn các DN chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống thì rất cần các bộ, ban, ngành, các chính quyền địa phương vào cuộc để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và hướng dẫn DN thực hiện chính sách cho đúng. Tránh để thiệt thòi cho DN và cũng tránh để sau này phải đi tháo gỡ do “không đúng đối tượng” hoặc “lợi dụng chính sách”... - Chủ tịch VCCI-TS Vũ Tiến Lộc
Thống đốc NHNN Việt Nam vừa có văn bản gửi NHNN Chi nhánh các tỉnh, TP về việc thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Thống đốc cũng yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và hướng dẫn của Hội sở chính; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho DN, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.
|
Theo kinh tế đô thị