Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, TP xác định chuyển đổi số là “chìa khóa chính” để chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Đồng thời, là bước chuyển tất yếu, mang tính bắt buộc, nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

"Đây cũng là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như đột phá trong phát triển thành phố, hướng đến TP Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống", ông Nam chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết chuyển đổi số là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như đột phá trong phát triển thành phố
 

Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, bên cạnh sự chủ động trong sự phát triển và hoàn thiện về hạ tầng chính quyền điện tử, TP còn sở hữu lợi thế lớn về nguồn nhân lực.

Theo đó, trên địa bàn Đà Nẵng có 25 trường đại học và cao đẳng có khoa ngành đào tạo về công nghệ thông tin, mỗi năm bổ sung thêm 5.000 nhân lực có trình độ từ bậc đại học, cao đẳng trở lên.

Cùng với đó, với tỷ lệ 2,5 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 người dân, Đà Nẵng hiện là địa phương có lực lượng doanh nghiệp công nghệ lớn bậc nhất cả nước. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp Đà Nẵng chuyển đổi số.

Lễ phát động chương trình bình chọn giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards" diễn ra tại Đà Nẵng
 

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Dr SME cho rằng, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ trong nước có nguy cơ bị doanh nghiệp “cá mập” nước ngoài đè bẹp, dần chết yểu.

“Trong quá khứ, thật khó cho các doanh nghiệp có được các công nghệ công cụ hiện đại như các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang sử dụng. Ngày hôm nay, các công nghệ chuyển đổi số như điện toán đám mây, IoT,... đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai. Đây chính là một điểm lợi thế quan trọng so với quá khứ nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm để chuyển đổi”, ông Anh nói.

Giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 nhằm tôn vinh thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của những cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. 
Theo quy chế, VDA 2021 sẽ có 4 hạng mục giải thưởng. Hạng mục 1 gồm: sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu. Hạng mục 2 gồm doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Hạng mục 3 là Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc. Hạng mục 4 là sản phẩm, Giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng.

Hồ Giáp
Theo vietnamnet.vn