Về mức giảm thuế VAT, theo Nghị định, cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT quy định nêu trên.
Theo Bộ Tài chính, việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT tới hết tháng 6 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương 4.175 tỷ đồng/tháng). Trong đó, giảm ở khâu nội địa dự kiến 2.500 tỷ mỗi tháng và khâu nhập khẩu khoảng 1.500 tỷ. Tuy nhiên, giảm 2% thuế VAT sẽ giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, từ đó kích cầu, tăng tiêu dùng, theo các chuyên gia. Bộ Tài chính cũng cho rằng việc này sẽ giúp sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi, từ đó, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, nền kinh tế.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, PGS-TS Lý Phương Duyên, Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) đánh giá cao việc giảm thuế suất thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2025. Chính sách giảm thuế suất thuế VAT đã góp phần thúc đẩy giảm giá thành sản phẩm qua việc doanh nghiệp mua những nguyên liệu là hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế. Đồng thời, việc giảm thuế suất thuế VAT cũng giúp cho giá bán hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% so với việc áp dụng thuế suất 10%, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra là vừa kích cầu tiêu dùng, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
“Theo tôi, việc giảm thuế suất thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2025 phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt khi cộng đồng doanh nghiệp vừa qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Vì vậy, chính sách giảm thuế suất thuế VAT 2% sẽ là động lực rất lớn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, cũng như tiếp đà tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2025”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn may Hồ Gươm cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của dệt may đều có tín hiệu phục hồi tích cực. Dự kiến, tổng doanh thu trong năm 2024 của doanh nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, hiện đơn giá trong nước và xuất khẩu vẫn chưa có sự cải thiện, thậm chí có những mặt hàng còn thấp hơn cả năm 2023. Vì vậy, doanh nghiệp đánh giá cao việc kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2%, từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, đưa sức tiêu thụ tăng mạnh hơn.
Được biết, trước đó, theo Nghị định 72/2024 của Chính phủ, quy định giảm 2% thuế VAT với một số nhóm mặt hàng sẽ hết hiệu lực vào 31/12/2024. Như vậy với Nghị định 180/2024 mới được thông qua, việc giảm 2% thuế VAT sẽ được kéo dài thêm 6 tháng.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 174/2024/QH15 về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó, Quốc hội quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định.
Yến Nhung