Du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và cơ bản các địa phương đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Tận dụng nguồn lực xã hội hóa

Từ Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả bền vững và Quyết định số 444 về Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 của Bộ VH-TT&DL, các địa phương đã tập trung vào nhiệm vụ phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, các địa phương đã tập trung phát triển, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng,... Trong đó, đều chú trọng vào cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, các lĩnh vực chủ lực như du lịch nghỉ dưỡng, lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch MICE, thể thao,... và nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.

81c1d6890382b0dce993.jpg
Hầu hết các địa phương đều đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch.

Phần lớn, các địa phương đều nhận thấy hiệu quả của công tác xúc tiến. Vì vậy, nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư nguồn kinh phí cũng như xã hội hóa để tích cực xúc tiến cả thị trường nội địa lẫn quốc tế, đặc biệt là gia tăng ưu đãi cho khách du lịch.

Điển hình như Quảng Nam, địa phương này thời gian qua đã tham gia hầu hết các sự kiện quảng bá du lịch cả 2 đầu đất nước cũng như các thị trường quốc tế. Có sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội hóa, du lịch Quảng Nam sở hữu “kho quà tặng” lên đến hơn 10 tỷ đồng để khách du lịch lựa chọn trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

Thông tin từ ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho hay ngành du lịch địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và hơn 70 doanh nghiệp hoạt động du lịch trong và ngoài tỉnh đồng hành tham gia chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch 2025 với chủ đề “Quảng Nam – Miền xanh Di sản”. Vị này cho biết, Chương trình diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2025, gồm 02 giai đoạn gồm giai đoạn 1 “Quảng Nam – Cảm xúc mùa hè” từ tháng 4 đến tháng 8/2025 và giai đoạn 2 “Mùa vàng xứ Quảng” từ tháng 9 đến hết tháng 11/2025.

“Chương trình “Quảng Nam – Miền xanh Di sản” 2025 sẽ góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến Quảng Nam và thương hiệu doanh nghiệp, khai thác hiệu quả các thị trường khách đến địa phương”, ông Hồng khẳng định.

Không chỉ Quảng Nam, mới đây một địa phương xa xôi miền Trung là tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đến TP Đà Nẵng để xúc tiến du lịch. Tại đây, ngành du lịch Vĩnh Phúc đưa ra chủ đề xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Vĩnh Phúc là “ Vĩnh Phúc - Trải nghiệm bốn mùa”.

Tại đây, ông Nguyễn Khắc Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc truyền tải thông điệp “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” – thể hiện ý nghĩa đúc kết cho những thành công được tạo nên từ sự hợp tác, gắn kết và bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Vị này cho biết, trong giai đoạn 2015 đến nay, địa phương đã đầu tư hạ tầng trong các khu du lịch là 2.577 tỷ đồng, cùng với đó là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch.

“Thời gian tới, địa phương đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững,... Qua đây, nhằm tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm”, ông Hiếu chia sẻ.

Xác định rõ phương thức xúc tiến

Có thể thấy, việc xúc tiến, quảng bá du lịch vừa là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa là một giải pháp góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Để công tác xúc tiến du lịch đạt hiệu quả, các địa phương cần xác định rõ lợi thế, định vị hình ảnh và giá trị điểm đến du lịch,... thu hút và gia tăng thời gian lưu trú, nâng mức chi tiêu, cũng như khả năng quay trở lại của du khách.

donkhach.jpg
Ngành du lịch Đà Nẵng triển khai nhiều hoạt động thu hút du khách.

Tuy nhiên, vẫn có thể cảm nhận được rằng câu chuyện xúc tiến, quảng bá du lịch hiện nay vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm” khiến cho việc xây dựng thương hiệu du lịch, quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch gặp không ít khó khăn. Ngoài việc hỗ trợ của các doanh nghiệp, các địa phương vẫn còn gặp hạn chế trong việc phân bổ kinh phí cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Một địa phương được đánh giá có thế mạnh du lịch cao như Đà Nẵng nhưng trong năm 2024 cũng đã gặp không ít khó khăn khi có sự cạnh tranh điểm đến quốc tế rất mạnh mẽ từ Thái Lan, Trung Quốc. Ngoài ra, một nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả xúc tiến cũng xuất phát từ quy mô, năng lực khai thác thị trường và tính liên kết hợp tác trong kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng còn hạn chế.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển du lịch TP Đà Nẵng năm 2025, đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề cập đến vấn đề trách nhiệm tham gia đóng góp nguồn lực kinh phí của phần lớn các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố để triển khai xúc tiến thị trường, truyền thông điểm đến, tổ chức sự kiện/lễ hội thu hút khách còn hạn chế. Vì vậy, ngành du lịch địa phương sẽ chủ động, năng động, sáng tạo, cập nhật xu hướng thị hiếu, đa dạng hóa các thị trường và triển khai các giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu đồng thời thu hút hiệu quả các thị trường thông qua việc triển khai các hoạt động/chương trình truyền thông, xúc tiến thị trường, xúc tiến đường bay của cơ quan tham mưu.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết địa phương sẽ tập trung các giải pháp đột phá về xúc tiến mở rộng thị trường, đường bay, kích cầu du lịch. Trong đó, tập trung thu hút tăng trưởng thị trường khách nội địa, duy trì tăng trưởng thị trường khách Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), tăng cường xúc tiến khai thác thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á, mở rộng và khai thác các thị trường tiềm năng Ấn Độ, Mỹ, Úc, Trung Đông, Nga, Đông Âu, các nước thuộc CIS.

“Đồng thời, thu hút phân khúc khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, khách MICE, golf, du lịch cưới. Đông thời, Đà Nẵng sẽ triển khai đa dạng hoá thị trường khách du lịch quốc tế năm 2025 và tăng cường xúc tiến thị trường quốc tế”, bà Hạnh thông tin.

Có thể nói, hoạt động quảng bá, xúc tiến nếu được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng lượng khách du lịch đến với các địa phương mà còn thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch.

Tuấn Vỹ