Cũng đúng thôi, với mật độ dân số ở khu vực trung tâm lên tới trên 20 ngàn người/km², lượng phương tiện là 1,1 triệu ô tô cùng 6,7 triệu xe máy, chưa kể phương tiện vận tải cá nhân của khách vãng lai, thì lượng khí thải phát ra chắc chắn gây ô nhiễm bầu không khí của thủ đô.
Cuối thu đầu đông, Hà Nội đẹp và lãng mạn như câu hát: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa. Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh”.
Nhưng không có mưa, bầu không khí không được gột rửa, làm cho chỉ số chất lượng không khí Air Quality Index (AQI) tăng lên đến 218. Chỉ số này mang nhiều thông số về nồng độ bụi mịn (PM2.5, PM10), khí gây ô nhiễm (NO2, CO, SO2, O3...) rồi tính tỉ lệ để đưa ra con số giá trị về chất lượng của không khí.
Giữa thủ đô, không ai có thể mơ ước đến chỉ số lý tưởng của AQI dưới mức 100. Nhưng từ mức 151 đến 200, mọi người đã thấy rõ sự ngột ngạt, khó chịu. Người bị bệnh đường hô hấp như hen suyễn, viêm xoang thấy tức thở, chảy nước mũi; trẻ em dễ viêm họng, viêm phế quản. Còn trên 201, ở mức 218, là cận kề mức nguy hiểm; người khỏe mạnh cũng thấy mệt mỏi và bị tác động tiêu cực bởi mức độ ô nhiễm không khí.
Chính vì vậy, nhiều người dân đồng tình với việc UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến người dân về dự thảo Nghị quyết lần hai chi tiết hơn cho Luật Thủ đô năm 2024, trong đó có vấn đề quy định tiêu chí, điều kiện, thủ tục xác định vùng phát thải thấp cho nội đô.
Một thủ đô văn minh, hiện đại, giàu có, là bộ mặt, trái tim của cả nước, không thể là đô thị ô nhiễm, khói bụi, chật chội để khách phải e ngại khi quyết định đến và ở lại với Hà Nội.
Nguồn thải thì đã rõ: nhà máy, xí nghiệp công nghiệp nặng không có trong nội đô; nguồn phát thải chủ yếu từ lượng phương tiện giao thông quá lớn, trong đó có cả ô tô và xe máy cũ. Mỗi lần kéo ga, khói đen bay mù mịt trên đường làm người ở gần phải nghiêng đầu, bịt mũi tránh né.
Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chưa có mạng lưới cơ sở kiểm tra khí thải đối với phương tiện giao thông đang lưu hành. Mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường chưa hoàn thiện. Cảnh sát môi trường chưa có ngay phương tiện và hệ thống văn bản luật đi kèm để tiến hành tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ngay và luôn như lực lượng cảnh sát giao thông.
Cũng vì thiếu phương tiện nên việc kiểm kê phát thải từ khí thải giao thông định kỳ cũng chưa thực hiện được. Chưa có số liệu, dữ liệu cụ thể thì chưa thể hình thành cơ sở xây dựng chính sách, cũng như gây áp lực cho cơ quan chủ quản buộc phải thực hiện.
Điều cần làm ngay là xem xét hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm ở 12 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông), rồi mở rộng dần ra khu vực lân cận.
Nghị quyết HĐND thành phố Hà Nội năm 2017 có mục tiêu đến năm 2030 sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, dần dần dừng hẳn việc sử dụng xe máy. Thời gian không còn nhiều và không đợi ai, cần không quyết liệt ngay từ bây giờ trong việc thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và tiêu chuẩn khí thải; lập bản đồ cấm ô tô chạy dầu diesel, xe máy, xe tải chạy xăng dầu hoạt động; thay thế bằng phương tiện chạy điện, tạo đà và thời gian chuyển đổi để người dân làm quen với phương thức mới, sẽ tìm cách thích ứng, thích nghi để đảm bảo đời sống cũng như thực thi theo luật định.
Khu vực phố đi bộ làm được thì các khu vực khác cũng sẽ làm được. Chỉ có hạn chế phương tiện giao thông cá nhân mới có thể trả lại bầu không khí trong lành cho thủ đô, đảm bảo sức khỏe nhân dân, tiến đến xây dựng thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường và thực sự là điểm đến của mọi người.
Muốn được như vậy, đầu tiên phải loại bỏ phương tiện không đạt tiêu chuẩn, quá niên hạn sử dụng, gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Ưu tiên xe đạp, xe điện lưu thông trong khu vực ô nhiễm nặng thay vì chỉ công bố chỉ số AQI rồi cảnh báo mọi người chú ý đảm bảo sức khỏe. Biết chú ý kiểu gì ngoài việc đeo thêm cái khẩu trang khi ra đường, chứ có ai vì chỉ số AQI cao mà nhịn thở được đâu.
Bầu không khí là của chung, và: “Trăm năm trong cõi người ta. Ai ai cũng phải thở ra hít vào”.
Phạm Tuấn