Cách đây hơn 40 năm, Trung Quốc áp dụng chính sách một con để tăng tốc chuyển đổi sang gia đình quy mô nhỏ. Chính sách này đã thúc đẩy lực lượng lao động của đất nước. Khi chăm sóc ít con hơn, những người trẻ tuổi có thể làm việc hiệu quả và tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Trong nhiều năm sau khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã tăng nhanh hơn so với những độ tuổi khác. Và đó là yếu tố lớn tạo ra phép màu kinh tế Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc hiện đang phải gánh chịu hệ quả của chính sách này. Việc hạn chế sinh nở đồng nghĩa Trung Quốc ngày nay có ít lao động hơn và ít phụ nữ sinh con hơn.
Liên Hợp Quốc mới đây dự báo dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể khiến dân số nước này giảm một nửa vào cuối thế kỷ này. Đây được xem như một con số đáng báo động đối với Trung Quốc.
ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI THỜI KỲ VÀNG SON CỦA DÂN SỐ TRUNG QUỐC?
Vào cuối những năm 1970, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại sự bùng nổ dân số sẽ làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước. Khi ông Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách một con trên toàn quốc vào năm 1980, ông nói: “Chúng ta phải làm điều này. Nếu không, nền kinh tế của chúng ta không thể phát triển tốt được”.
Lúc bấy giờ, trên toàn thế giới, dân số trẻ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển, bao gồm cả Nhật Bản. Các nhà kinh tế gọi đó là lợi tức dân số (Demographic Dividend). Lợi tức dân số xảy ra khi một đất nước có lực lượng lao động đông đảo hơn so với người phụ thuộc (trẻ em, người già) trong khoảng thời gian thường là vài thập kỷ. Khi những quốc gia như vậy trở nên giàu có hơn, người dân tự nhiên chọn sinh ít con hơn và dân số bắt đầu già đi.
Đó cũng là xu hướng xảy ra ở Trung Quốc, chỉ là với tốc độ nhanh hơn.
Trung Quốc về cơ bản đã vay mượn từ tương lai của mình bằng cách đẩy nhanh cơ hội nhân khẩu học (Demographic Window of Opportunity). Đây là khoảng thời gian mà nhân khẩu học của một quốc gia chủ yếu là dân số trẻ trong độ tuổi lao động. Cách thức này đã làm xáo trộn các mô hình nhân khẩu học dài hạn của Trung Quốc.
Patrick Gerland - Người đứng đầu Bộ phận Ước tính và Dự báo Dân số của Liên Hợp Quốc
Thách thức đối với Trung Quốc là tình hình có thể thay đổi khá nhanh từ năm này sang năm khác. Trong thập kỷ qua, những thay đổi cả về chính sách và số liệu là rất lớn.
Ví dụ, trong ước tính toàn cầu vừa được công bố, Liên Hợp Quốc dự kiến dân số Trung Quốc sẽ giảm từ 1,4 tỷ người hiện nay xuống còn 639 triệu người vào năm 2100. Dự đoán mới giảm nhiều hơn so với mức 766,7 triệu người mà tổ chức này đưa ra chỉ hai năm trước.
Dù vậy, đây vẫn là dự đoán lạc quan hơn so với các ước tính khác. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Victoria ở Australia và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ chỉ còn 525 triệu người vào cuối thế kỷ.
Thật khó để tưởng tượng quỹ đạo dân số của Trung Quốc sẽ ra sao nếu không có chính sách một con. Nhưng khi so sánh với một nhóm lớn các quốc gia khác, chúng ta có thể biết được manh mối.
Biểu đồ trên mô tả nghiên cứu của các nhà nhân khẩu học Liên Hợp Quốc về cách cơ hội nhân khẩu học (demographic window) của Trung Quốc mở ra nhanh hơn và mạnh hơn so với các quốc gia "kém phát triển" khác, sau đó cũng chấm dứt nhanh tương tự.
Trong những năm sau khi chính sách một con được thực hiện, dân số Trung Quốc trong độ tuổi 20-64 (đường màu xanh) tăng nhanh hơn số trẻ em và người già. Nhưng trước khi chính sách này kết thúc, xu hướng đã bị đảo ngược.
Nhóm các quốc gia khác (đường màu vàng) cho thấy một chặng đường suôn sẻ hơn với cơ hội nhân khẩu học kéo dài đến tận những năm 2040.
TƯƠNG LAI DÂN SỐ TRUNG QUỐC SẼ RA SAO?
Khi Trung Quốc mở cửa với phương Tây, nước này đã trở thành công xưởng của thế giới. Hàng triệu người trẻ quyết tâm thoát nghèo vươn lên. Vì thế, trong các thập kỷ tiếp theo, tăng trưởng của Trung Quốc đạt phần trăm hai chữ số.
Sự bùng nổ của Trung Quốc được thể hiện rõ nét trong Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra ngay sau đó, Trung Quốc vẫn duy trì tăng trưởng và được ghi nhận là đã hỗ trợ cứu nền kinh tế toàn cầu. Vài năm sau, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế số 2 thế giới.
Nhưng đến năm 2013, theo nghiên cứu của giáo sư kinh tế danh dự Andrew Mason tại Đại học Hawaii và giáo sư xã hội học Wang Feng tại Đại học California, phần lớn lợi tức dân số của Trung Quốc đã kết thúc.
Giờ đây, tăng trưởng kinh tế chậm lại và những thay đổi về nhân khẩu học tác động lẫn nhau, tạo nên một triển vọng ảm đạm.
Trong những thập kỷ tới, dân số Trung Quốc có thể sẽ tương phản với Ấn Độ - nơi phân bố độ tuổi theo một tiến trình tự nhiên hơn, hoặc Mỹ - nơi dòng người nhập cư giúp chống lại tình trạng già hóa dân số.
Theo dự báo mới nhất của Liên Hợp Quốc, đến cuối thế kỷ, dân số Mỹ sẽ bằng khoảng 2/3 dân số Trung Quốc, tăng so với tỷ lệ chưa đến 1/4 hiện tại. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ có dân số gấp đôi Trung Quốc.
Giáo sư Wang cho biết tác động nhân khẩu học tại Trung Quốc sẽ thực sự rõ nét vào giữa thế kỷ này. Nhiều người sinh ra trong giai đoạn chính sách một con sẽ nghỉ hưu, trong khi vẫn chăm sóc cha mẹ già.
Đến năm 2050, Liên Hợp Quốc hiện dự kiến 31% người Trung Quốc sẽ ở độ tuổi 65 trở lên. Đến năm 2100, tỷ lệ này sẽ là 46%, chiếm gần một nửa dân số. Tại Mỹ, tỷ lệ này dự kiến lần lượt là 23% và 28%.
Dự báo đã điều chỉnh của Liên Hợp Quốc cho thấy số ca sinh ở Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 9 triệu trong năm nay và chỉ có 3,1 triệu trẻ sơ sinh mỗi năm vào năm 2100.
Ngày nay, Trung Quốc không chỉ có ít phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hơn mà ngày càng nhiều phụ nữ trẻ cũng ít quan tâm đến hôn nhân và con cái. Những áp lực về kinh tế phần nào khiến người trẻ không muốn kết hôn. Tâm lý này khiến tỷ lệ sinh giảm xuống, đồng nghĩa dân số già Trung Quốc đang tăng lên.
Trung Quốc dự kiến sẽ có hơn 40 triệu người về hưu trong giai đoạn 5 năm kết thúc vào năm 2025, nhiều hơn cả dân số Canada.
Bắc Kinh cũng như các nhà nhân khẩu học và xã hội học cho biết dân số có trình độ học vấn cao và sự tiến bộ của công nghệ có thể giúp Trung Quốc vượt qua những cú sốc. Nhiều công nghệ sẽ được tự động hoá để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động.