Các nhà quản lý quỹ đã tăng cường nắm giữ trái phiếu chính phủ tại nhiều nước Đông Nam Á trong hai tháng qua, và đã trở thành người mua ròng cổ phiếu tại Indonesia, Malaysia và Philippines trong ba tháng liên tiếp.
Sở dĩ các quỹ đầu tư rót vốn vào chứng khoán ở Đông Nam Á do nhiều ngân hàng trung ương Đông Nam Á đang chuẩn bị bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Trong đó, NHTW Philippines đã nới lỏng tiền tệ vào tháng 8 và một số chuyên gia kinh tế dự báo NHTW Indonesia sẽ có bước đi tương tự trong tuần này.
Lãi suất thực, hay chi phí vay sau khi điều chỉnh lạm phát, đang ở mức cao lịch sử trong khu vực, tạo thêm không gian cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các NHTW.
Joevin Teo Chin-Ker, Giám đốc đầu tư tại Amundi Singapore cho biết: "Về trung hạn, chúng tôi vẫn tiếp tục lạc quan về trái phiếu và tiền tệ Đông Nam Á, đặc biệt là ở các quốc gia có lợi suất trái phiếu cao hơn".
Lãi suất thực của Indonesia hiện là 4,1%/năm, cao hơn 1,8 điểm phần trăm so với mức trung bình 5 năm qua, cho thấy nước này còn nhiều khả năng để giảm lãi suất. Ở Philippines, lãi suất thực hiện cũng cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với mức trung bình 5 năm. Điều này góp phần đưa Indonesia và Philippines vào top 4 trong khảo sát của Bloomberg về các thị trường mới nổi toàn cầu, cùng với Ấn Độ và Hàn Quốc.
Hiện BlackRock dự định tận dụng bất kỳ sự biến động nào của thị trường trong tháng này để mua trái phiếu ở các nước châu Á như Philippines và Indonesia, với kỳ vọng rằng việc cắt giảm lãi suất của FED và các NHTW trong khu vực sẽ hỗ trợ cho thị trường trái phiếu ở đây.
"Các nhà quản lý quỹ ưu tiên các trái phiếu trung và dài hạn ở hai quốc gia này vì các NHTW của họ có nhiều không gian hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ", ông Neeraj Seth, Trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu châu Á của BlackRock ở Singapore, cho biết.
Ngoài ra, theo dữ liệu của Bloomberg, tỷ giá hối đoái của nhiều quốc gia trong khu vực thấp hơn 1,8% so với mức trung bình 10 năm qua, cho thấy các đồng tiền này có vẻ bị định giá thấp trên cơ sở trọng số thương mại.
Cuối cùng, Đông Nam Á được xem là một trong những khu vực hưởng lợi từ xu hướng "friend-shoring", thuật ngữ dùng để chỉ sự ưu tiên trong việc hợp tác với các đồng minh.
Khu vực này đang ngày càng trở nên hấp dẫn như một sự thay thế cho Trung Quốc, khi các nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời điểm chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Bà Stefanie Holtze-Jen, Giám đốc đầu tư khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại chi nhánh ngân hàng tư nhân của Deutsche Bank tại Singapore, nhận định Đông Nam Á nên tận dụng tốt cơ hội nhờ sự gần gũi với Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như xu hướng các quốc gia tìm cách đa dạng hóa sản xuất và nguồn cung ra khỏi Trung Quốc